Ðồng hành, khích lệ người khuyết tật tự lực
Bằng cách tạo ra những không gian để người khuyết tật chia sẻ, khích lệ lẫn nhau, để người bình thường hiểu thêm về người khuyết tật, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TX An Nhơn đã giúp người yếu thế trên địa bàn tự tin, sống tích cực hơn.
Từ sự cảm thông, chia sẻ...
TX An Nhơn là một trong những địa phương có số người khuyết tật và trẻ mồ côi nhiều trong tỉnh với hơn 4.970 người khuyết tật, hơn 600 trẻ mồ côi. Số lượng người khuyết tật ngày càng tăng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có TNGT, tai nạn lao động, bệnh tật... Phần lớn người khuyết tật đều là trụ cột gia đình hoặc đang tuổi trẻ, nhiều ước mơ, hoài bão. Khích lệ họ lạc quan, tự tin, kiên định theo đuổi ước mơ, xây dựng cuộc sống là điều Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TX An Nhơn thường triển khai. Đều đặn mỗi năm, Hội phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Phòng GD&ĐT, Đoàn thanh niên thị xã và các xã, trường THCS tổ chức hoạt động giao lưu giữa người khuyết tật, trẻ mồ côi với giáo viên và học sinh.
Trong hoạt động giao lưu giữa người khuyết tật và Trường THCS Nhơn Lộc, lần đầu tiên có thêm nội dung trò chơi trải nghiệm “đóng vai người khuyết tật”.
- Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nhơn Lộc nhập vai người khiếm thị.
Tháng 4 vừa qua, trong hoạt động giao lưu giữa người khuyết tật và Trường THCS Nhơn Lộc, lần đầu tiên có thêm nội dung trò chơi trải nghiệm “đóng vai người khuyết tật”. Nhiều học sinh bối rối, lúng túng khi bị bịt mắt, ngồi xe lăn hoặc không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt điều muốn hỏi, muốn nói. “Đây là hoạt động nhằm xây dựng sự cảm thông, gần gũi, sẻ chia của quý đại biểu, quý thầy cô giáo và các cháu học sinh đối với những người khuyết tật, trẻ mồ côi. Qua đó, nhằm gạt bỏ mọi rào cản, những kỳ thị, phân biệt về người khuyết tật trong nhận thức của thế hệ trẻ, cùng hành động để xây dựng một xã hội hòa nhập và tiếp cận cho tất cả mọi người”, ông Trần Duy Đức, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TX An Nhơn, chia sẻ.
Tham gia chương trình giao lưu, em Lê Đức Hùng, học sinh lớp 7A4, Trường THCS Nhơn Lộc, cũng là người khuyết tật vận động, gửi thông điệp về một người khuyết tật trẻ kiên định với ước mơ của mình. Nhà Hùng cách trường 500m. Hằng ngày em đều đi bộ để đến trường trên đôi chân yếu ớt, thi thoảng lại bị quỵ ngã. Nhưng, cậu bé khẳng định, bản thân chưa bao giờ muốn nghỉ học. Em biết rõ, để cuộc sống tốt đẹp hơn, nhất định phải học thật tốt để mọi người biết về mình bằng thành tích học tập, bằng những nỗ lực chứ không phải bằng khiếm khuyết.
... đến khích lệ, động viên
Hơn 8 năm đi vào hoạt động, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thị xã đã vận động từ nhiều nguồn hơn 4,2 tỉ đồng để tặng quà, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi nhân các dịp lễ, tết. Hội tặng hơn 750 chiếc xe lăn, xe lắc giúp người khuyết tật có phương tiện đi lại, mưu sinh. Hội cũng trợ giúp sinh kế cho hàng chục đối tượng người khuyết tật (mức 3 đến 5 triệu đồng/người), tặng 17 ngôi nhà tình thương cho hộ nghèo có người khuyết tật; phối hợp với các tổ chức từ thiện, các bệnh viện trong và ngoài tỉnh tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 800 người khuyết tật và người cao tuổi; giới thiệu phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng do dị tật, sứt môi hở hàm ếch, bị bệnh tim bẩm sinh…
Hoạt động giao lưu thường niên giữa lãnh đạo các trường THCS, học sinh và người khuyết tật đã góp phần xây dựng sự cảm thông, chia sẻ, xóa bỏ những rào cản trong nhận thức.
Từ năm 2010, Nhóm người khuyết tật Ngày mới (trực thuộc Hội) ra đời, trở thành nơi sinh hoạt, chia sẻ của cộng đồng người khuyết tật trên địa bàn. Năm 2017, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thị xã cùng Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN thị xã thành lập CLB phụ nữ khuyết tật “Tự lực”. Các tổ chức này đều kết nối, khích lệ người khuyết tật sống lạc quan, tự tin vượt lên trên khiếm khuyết, xây dựng hình ảnh người khuyết tật tích cực.
Anh Đoàn Thế Dũng (54 tuổi, ở thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh), thành viên tích cực của Nhóm người khuyết tật Ngày mới, cho biết: “Mỗi người khuyết tật đều khao khát có cuộc sống tốt đẹp như người bình thường. Để làm được điều đó thì phải học cách chấp nhận “sống chung” với khiếm khuyết của mình, không nhìn vào đó mà cảm thấy xấu hổ, không đổ lỗi lên khiếm khuyết. rất vui là Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thị xã đã xây dựng nên những không gian sinh hoạt phù hợp để chúng tôi có thể lắng nghe nhau, kịp thời động viên nhau, nhìn nhau mà sống tốt hơn, đẹp hơn”.
NGUYỄN MUỘI