Về thăm thành cổ triều xưa
Là kinh đô từ những vương triều Champa cho đến thời vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc, An Nhơn là vùng đất được mệnh danh là đất Vua. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, lầu đài, thành quách, hoàng cung rực rỡ một thời giờ chỉ còn lại dấu tích. Dù vậy và dù còn rất nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng du lịch, An Nhơn vẫn thu hút nhiều du khách.
Tử Cấm thành ngày xưa tọa lạc tại thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) ngày nay. Một tòa thành của hai triều đại, chứng kiến nhiều biến thiên của lịch sử, ẩn giấu trong đó là sự huy hoàng xen lẫn những tàn phai. Đã nhiều lần tới lui khu vực này, điều tôi luôn cảm nhận trong những buổi chiều tà, dưới ánh tịch dương, dấu tích xưa thường khiến dội lên những hồi cảm xúc xen lẫn ngưỡng mộ - tiếc nuối và hồi tưởng về lẽ thịnh suy, tồn vong.
Di tích lịch sử Thành Hoàng Đế.
Di tích thành Hoàng Đế mở cửa đón khách mỗi ngày. Mỗi lần trở lại ngôi thành cổ, theo thói quen tôi lại đi hết một vòng khuôn viên thành; ngắm rêu phong phủ trên những phiến đá của tường thành, nhìn dấu vết thời gian khắc vào đá, tạc vào cây để thấy thời gian thật khắc nghiệt. Ngồi dưới tán cây me cổ thụ trong khuôn viên tòa thành, lần qua những dòng sử liệu, tôi tìm về một thời hưng thịnh thuở xa xưa.
Trước khi trở thành tên gọi Thành Hoàng Đế, đây chính là kinh đô cuối cùng của vương triều Champa trong thế kỷ XI-XV được biết đến với cái tên Thành Đồ Bàn. Binh biến, thịnh suy của vương triều, thành Đồ Bàn không còn giữ vai trò. Năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông chinh phục vùng đất này, tên thành cũ không còn nữa. Không còn giữ vị trí kinh đô, Đồ Bàn rơi dần vào hoang phế cho đến năm 1775, sau khi xưng đế, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đã chọn vùng thành cũ để xây dựng kinh thành của vương triều ông.
Lịch sử đã qua, nhưng dấu tích của nó vẫn còn. Ở trong trung tâm của tòa thành này, nếu như chưa nghe, chưa biết, có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nó là kinh đô của triều đại trước lại có lăng tẩm của dũng tướng triều đại đối nghịch với nhau.
Tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu) - tháp Chăm duy nhất trong trung tâm thành Đồ Bàn còn lại đến ngày nay.
Thắp một nén nhang nơi lăng mộ Võ Tánh (vị tướng của nhà Nguyễn Gia Miêu) ngay trong thành Hoàng Đế của triều Nguyễn Tây Sơn, tôi lại thấy kính trọng nghĩa khí của người xưa. Câu chuyện về cách ứng xử của hai dũng tướng đối địch Trần Quang Diệu - Võ Tánh có lẽ nhiều người đã nghe kể nhưng được nghe kể ngay chính ở tòa thành này, sự ý vị sẽ tăng thêm nhiều lần. Đó cũng là một lý do để những người trọng nghĩa khí, tìm về nơi đây đơn giản chỉ để thắp một nén nhang.
Chính sử ghi nhận, sau hai năm bị quân Tây Sơn vây hãm, trước khi mở cổng thành quy hàng, Võ Tánh - tướng giữ thành viết thư gởi Trần Quang Diệu, trong thư ông đã xin tha chết cho các binh sĩ nhà Nguyễn trong thành, và rồi ông tự thiêu trên đài cao. Đáp ứng nguyện vọng cao cả của Võ Tánh, Trần Quang Diệu không những tha chết cho toàn bộ binh sĩ trong thành mà còn cho an táng Võ Tánh trọng hậu, lập miếu thờ ông ngay trong tòa thành. Tiền nhân đã cao cả như thế thì hậu bối không thể kém cỏi, điều đó được chứng thực bởi bể dâu binh lửa đến đâu thì hàng trăm năm qua nhang khói ở miếu Song Trung - thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu vẫn không tắt lạnh khói hương. Câu chuyện này, cách ứng xử này không có nhiều, và ở giữa Tử Cấm Thành, nghĩa khí Bình Định khiến du khách phương xa thêm đôi chút bồi hồi, lắng đọng.
Cửa Đông (TX An Nhơn) - từ đây du khách chọn đi về hai hướng gồm đi các làng nghề ven sông Côn, hoặc men theo QL 1A về các điểm di tích lịch sử ở Nhơn Hưng, Nhơn Hậu.
Là đất Vua, nên An Nhơn là nơi trăm nghề hội tụ. Đến An Nhơn điều không nhắc cũng nhớ là làng nghề truyền thống, là tiếng vọng của thời gian gắn với sự phát triển của làng nghề, của những con người đang neo giữ hồn quê với nghề truyền thống. Làng nghề bún bánh truyền thống An Thái (Nhơn Phúc), làng nghề nấu rượu Bàu Đá Cù Lâm (Nhơn Lộc), làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, gốm Vân Sơn (Nhơn Hậu), làng nghề rèn Tây Phương Danh (Đập Đá)… Và cả những võ đường làm nên khí chất của người Bình Định hào sảng - thẳng thắn - nhân hậu. Võ cổ truyền Bình Định trên đất vua An Nhơn là đạo, là đời, đó là chia sẻ của những võ sư từ lò võ An Thái mà tôi có dịp gặp gỡ trong những chuyến đi.
Rời thành Hoàng Đế, men theo con đường bê tông qua những ngôi làng, những hồi ức về lịch sử của tòa thành này khắc sâu vào trong trí nhớ của tôi. Ở nơi đó có cả quá khứ hào hùng, có bi tráng, là một phần không thể tách rời của vùng đất này. Phần lịch sử của ngày hôm qua đã trở thành những di tích đặc biệt, một phần “di sản” quý báu của vùng đất An Nhơn ngày nay.
TX An Nhơn chỉ xếp sau Tây Sơn về số lượng di tích lịch sử, văn hóa. Ðến An Nhơn, bạn nên dành thời gian đi hết một tour đất Vua nên chọn đi theo tuyến di tích để có cơ hội đi hết di tích. Nếu chọn Thành Hoàng Ðế nên sắp xếp đi theo lộ trình hợp lý: Tour 1: gồm Thành Hoàng Ðế - Tháp Cánh Tiên - chùa Nhạn Sơn - làng nghề truyền thống Nhơn Hậu. Tour 2: Thành Ðông Bình Ðịnh - làng nghề An Thái - làng nghề Nhơn Lộc…
Một gợi ý, du khách nên thử đặt lịch đi tour trên đất Vua bằng xe ngựa. Du khách liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ ở An Nhơn để có trải nghiệm hấp dẫn này.
THU DỊU