Chiều xanh cầm sợi cói vàng
Chương Hòa là tên gọi một thôn thuộc xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn. Hầu hết cư dân ở đấy gắn bó với nghề trồng cói và dệt chiếu lâu đời. Từ nhiều thế kỷ trước, sản phẩm chiếu cói Chương Hòa với chất lượng và vẻ đẹp nổi trội, sớm được xướng danh trong nhóm 8 loại chiếu nổi tiếng của cả nước. Vì thế, cái tên Chương Hòa đã trở thành địa danh văn hóa, dùng để chỉ một làng nghề - làng chiếu Chương Hòa.
Nguyên liệu làm chiếu là cây cói, được trồng tại chỗ, xuất phát từ địa hạt Chương Hòa rồi dần dần mở rộng ra Gia An, Gia An Đông, Quy Thuận, chiếm phân nửa số thôn của xã Hoài Châu Bắc. Các thôn này kết thành một vạt dài dọc theo QL 1A, là vùng đất lợ cận duyên hải, hàng năm tiếp nhận phù sa màu mỡ từ một số sông nhánh miền hạ lưu sông Lại, với độ mặn từ 0,10 - 0,20%, độ chua tự nhiên pH từ 6 - 7. Cây lúa không chịu mặn duyên với dải đất thấm tháp phèn, muối phù sa hòa trộn nắng gió hào phóng của trời. Người nông dân sau nhiều đời trằn trọc mưu sinh, đã phát hiện ra cói là loại cây tiềm năng để nuôi mình. Nhu cầu sinh tồn đã mách bảo con người phải khám phá và dung hòa với tự nhiên, đó là “hành trình” biến vùng đất này thành vương quốc của loài cói.
Xóc cói và lựa cói theo các cỡ chiếu.
Có trồng cói là có dệt chiếu. Nhiều làng chiếu hàng trăm năm tuổi đã mọc lên quanh đồng cói. Theo số liệu tổng điều tra cơ sở kinh tế 1.7.2012, ở Hoài Châu Bắc diện tích cói gieo trồng của xã là 159,4 ha, chiếm 65,4% diện tích gieo trồng toàn huyện Hoài Nhơn, có 265 cơ sở và 683 lao động chuyên dệt chiếu. Ta có thể hình dung nghề trồng cói làm chiếu như một vệt nước loang, ban đầu khởi nguồn từ một số hộ dân Chương Hòa, sau lan dần ra các vùng lân cận.
Đến nay Hoài Châu Bắc có gần nghìn hộ trồng cói, dệt chiếu. Biên độ làng chiếu Chương Hòa dần vượt ra khỏi địa vực hành chính, bao trùm một mảng rộng lớn. Vào mùa thu hoạch, ngang qua địa phận Hoài Châu Bắc, mắt người thiên lý sẽ mải miết dõi về những bóng người thấp thoáng dưới đồng cói xanh ngắt ràm rạp trong nắng gió. Dưới đồng, nông dân rộn rịp chặt cói, cắt ngọn bông, xóc cói để lựa thành những bó cùng cỡ, các cỡ thông thường theo khổ chiếu là 80 cm, 1,2 m, 1,4 m, 1,6 m. Đêm về, dưới trăng hay dưới đèn, mỗi cọng cói tươi sẽ được chẻ làm đôi. Hôm sau đó người ta ôm từng ôm lớn đi phơi dọc lộ. Chừng hai, ba nắng cói khô, đem về nhuộm, sấy cho thật ăn màu rồi đan, dệt.
Chặt cói.
Đồng cói bao nhiêu tuổi? Có lẽ xấp xỉ với tuổi của địa danh Hoài Nhơn. Mà hai chữ Hoài Nhơn là tên do vua Lê Thánh Tông đặt cho đất này khi nó trở thành một phủ biên viễn phía Nam Đại Việt (1741). Vậy là, làng Việt vùng Bình Định đã chớp mắt nhìn 278 năm trôi qua. Cái sự người ta cần đan chiếu để ngả lưng cũng sem sem chừng ấy. Từ đó suy ra tuổi làng chiếu vùng này thiếu vài chục năm là ngót nghét ba thế kỷ.
Thế đấy, đừng thấy cói xanh mà tưởng non, đừng thấy chiếu son mà tưởng trẻ!
Ở địa phương sở tại, người ta có thể nói rạch ròi chiếu Chương Hòa, chiếu Quy Thuận hay chiếu Gia An; chiếu Gia An Đông; thậm chí là chiếu bà T, ông X, cô Y… do phân định hoa văn, đường dệt, màu nhuộm, lối viền, độ tinh xảo của mỗi vùng, mỗi xưởng, mỗi nhà. Nhưng tự xửa xưa, một bước ra ngoài, khi bàn chân hay bánh xe dời khỏi địa phận này, chỉ còn một tên chiếu Chương Hòa lộng lẫy. Về sau may ra có thêm tên chiếu Gia An, là vì một câu hát mặn mòi khó quên của người vùng chiếu.
Cói đã phơi khô.
Buổi chiều, nghe gió rủ, tôi thả bộ dọc sông Gia An, thấy đàn ông làng chiếu buộc cói khô thành từng bó, vác xếp lên xe đẩy về nhà. Tha thẩn nhìn những sợi cói vàng sóng đôi trên cỏ, tình cờ lượm được lời hẹn ai gửi cho ai sao mà thương mà tội: Chiếu Gia An anh trải em nằm/ Phải duyên chồng vợ trăm năm anh chờ...
Cầm lên một sợi cói vàng thơm mùi nắng, tôi nghĩ ai đó có lý khi nói rằng cói không chỉ để dệt chiếu mà còn được dùng đan giỏ, dép, mũ, thảm trang trí. Người làng chiếu đa tình và đa tài nơi đây có lẽ đã biết điều này. Một chiếc mũ cói rộng vành bụi bụi trên trán các chàng trai, phớt phớt nghiêng nghiêng trên mái tóc dài thiếu nữ. Một chiếc xách tay điệu đà thêm phần duyên dáng. Một tấm thảm cói lót nền dệt hoa văn cây cau cây dừa thơ mộng và rười rượi bản sắc Tam Quan, Bình Định. Tiện, đẹp, lạ và quyến rũ, tại sao không?
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG