Tưởng niệm 210 năm ngày mất danh nhân Ngô Thì Nhậm
Ngô Thì Nhậm được coi là một gia tài văn hóa to lớn và rất giá trị, như một “hạt ngọc minh triết” của dân tộc.
Ngày 27.10, tại Bái đường Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), đã diễn ra buổi Lễ tưởng niệm Danh nhân văn hóa Ngô Thì Nhậm. Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết, phối hợp cùng UBND huyện Thanh Trì, dòng họ Ngô Thì (thuộc làng Tó, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) và Trung tâm Văn hóa Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội phối hợp tổ chức.
Buổi lễ diễn ra trang trọng với sự góp mặt của nhiều nhà trí thức, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, như: Giáo sư sử học Lê Văn Lan, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Thị Băng Thanh, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - hiện là Giám đốc Trung tâm Minh Triết,… và đại diện của dòng họ Ngô Thì.
Buổi lễ mở đầu với lễ dâng hương tưởng niệm danh nhân Ngô Thì Nhậm. Ngoài ra, các học giả cũng nêu vấn đề qua cả một số sự kiện tiêu biểu liên quan tới dịp tưởng niệm 210 năm mất của ông.
Trong đó, các học giả có đề cập tới nội dung cuốn sách “Truyện danh nhân Ngô Thì Nhậm”. Cuốn sách mới chính thức được phát hành từ ngày 22.10 vừa qua tại Huyện ủy Thanh Trì, đúng dịp kỷ niệm 267 năm ngày sinh của Ngô Thì Nhậm. Tác phẩm chính là những câu chuyện thú vị kể lại cuộc đời 57 năm của ông, đặc biệt là những đóng góp và công trạng của ông đối với đất nước. Huyện ủy Thanh Trì đã mời Giáo sư sử học Lê Văn Lan đứng ra chủ biên nội dung cuốn sách cùng các nhà nghiên cứu khác.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Thị Băng Thanh nhấn mạnh: “Cuốn sách mặc dù đề cập tới một danh nhân trong lịch sử, gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Nhưng điều đặc biệt là cuốn sách giúp chúng ta hiểu biết thêm về con người và cuộc đời của danh nhân Ngô Thì Nhậm thông qua những câu chuyện được kể một cách hấp dẫn, chứ không phải chỉ là những con số, những sự kiện khô khan, như cách mà chúng ta thường tiếp cận về lịch sử”.
Bên cạnh đó, các học giả cũng nhắc tới cả bài minh của danh nhân Ngô Thì Nhậm. Trước khi mất, Ngô Thì Nhậm đã viết một bài minh, được khắc bằng đá, với nội dung như sau:
“Hằng tâm hà sa,
Vãng lai vũ trụ.
Bất dẫn bất tử,
Tầm thường ly tụ.”
Bài minh đã được tìm thấy khi di dời mộ của Ngô Thì Nhậm từ ngoài đồng về táng ở khu lăng di tích, cạnh mộ của thân phụ ông là Ngô Thì Sĩ. Các con cháu hậu duệ trong dòng họ tại làng Tả Thanh Oai cũng cho lập bia, khắc lại bài minh đặt ở đầu ngôi mộ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, bài minh được coi như là lời tổng kết của Ngô Thì Nhậm về nhân sinh qua, vũ trụ quan và cuộc đời của ông, mang tư tưởng triết lý sâu sắc của cả đạo Phật, đạo Nho và đạo Lão: “Con người khi mất đi, cái còn lại không phải cái danh, cái công, cái ngôn, cái trí, cái đức, mà là cái tâm, nhưng cái tâm thường hằng lại biến hóa vô lường, phong phú, phức tạp”.
Ông Nguyễn Khắc Mai cũng khẳng định: “Tưởng nhớ danh nhân Ngô Thì Nhậm, chúng ta tiếp nhận một bài học về nhân cách kẻ sĩ vẫn còn rất ‘kim nhật kim thì’ (thời sự), đó là một gia tài văn hóa mà thế hệ mới còn phải vượt lên và dầy công nghiên cứu học hỏi”.
Ngô Thì Nhậm là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà văn hóa tài hoa, nổi tiếng nửa cuối thế kỷ XVIII, đặc biệt là dưới thời Tây Sơn.
Ông quê ở làng Tả Thanh Oai (tục gọi là làng Tó), nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Ông sinh năm Bính Dần (1746), thuộc dòng họ Ngô Thì có nền nếp thi thư mà Ngô Thì Sĩ tự hào là “một vọng tộc ở vùng Tả ngạn sông Nhuệ”.
Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), làm quan tới các chức Giám sát ngự sử, Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên, Hàn lâm Hiệu thảo, Hữu Thị lang bộ Công. Từ năm 1788, Ngô Thì Nhậm giúp nhà Tây Sơn, được vua Quang Trung trọng dụng, trao các chức Tả Thị lang bộ Lại, Thượng thư bộ Binh, tước Tình phái hầu, đảm nhiệm nhiều việc lớn. Khi quân nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị kéo sang xâm lược, ông hiến kế rút khỏi Thăng Long về lập phòng tuyến Tam Điệp “cho chúng trọ một đêm rồi lại đuổi chúng đi”. Vua Quang Trung khen ngoài Ngô Thì Nhậm, không ai đề ra được kế ấy. Đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi, nhà vua giao cho ông nhiều việc quan trọng: ngoại giao, văn hóa, nội trị, ông đều hoàn thành xuất sắc.
Ông mất năm Quý Hợi (1803), để lại một di sản văn hóa đồ sộ, ngoài tâm huyết của một nhà mưu lược quân sự, nhà ngoại giao khéo léo và tự chủ, còn có một khối lượng thơ văn rất lớn, chứa đựng tinh hoa tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Đó là một gia tài văn hóa to lớn và rất giá trị, trong đó có nhiều hạt ngọc minh triết quý báu.
. Theo Thu Linh (VOV online)