Thủ tướng: Công nhân lao động bậc cao là động lực của tăng trưởng
Sáng 5.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với 1.000 công nhân lao động tại TP HCM.
Sáng nay 5.5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với 1.000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao. Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Đây là lần thứ 4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính sách của công nhân, lao động với sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương, ngành và đất nước.
Cùng dự buổi đối thoại có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân, lao động. Ảnh: Duy Phương
Với chủ đề “Công nhân kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển đất nước”, Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đối thoại với 1000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao của 7 địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vùng Tàu và các ngành kinh tế kỹ thuật cao là điện lực, than khoáng sản, dầu khí, thông tin truyền thông, dệt may, đường sắt, hàng hải, hàng không, công nghiệp tàu thủy, xây dựng, dệt may, công thương, nông nghiệp, quốc phòng, y tế.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công nhân bậc cao, là một trong những động lực tăng trưởng của đất nước. Thủ tướng hoan nghênh Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt, đối thoại lần này và mong muốn trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đội ngũ công nhân lao động tay nghề cao sẽ tích cực đóng góp ý kiến đối với Đảng, Nhà nước trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển đất nước không chỉ dựa vào vốn, lao động giá rẻ mà còn phải dựa vào năng suất lao động. Do đó, điều kiện sống, làm việc, môi trường học tập, rèn luyện kỹ năng tay nghề của đội ngũ lao động kỹ thuật cao là vấn đề đặt ra; những tâm tư, nguyện vọng nào của công nhân lao động kỹ thuật cao để đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp và đất nước.
Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng mong muốn lắng nghe công nhân lao động kỹ thuật cao hiến kế, đề xuất cơ chế chính sách để phát triển nguồn nhân lực, các chính sách giúp nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Thủ tướng mong muốn lắng nghe công nhân, lao động kỹ thuật cao hiến kế đề xuất cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: Duy Phương
Tại buổi đối thoại này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ trao đổi 5 nhóm vấn đề chính là: Những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; đề xuất của công nhân lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân; làm gì để những lao động bình thường trở thành công nhân kỹ thuật cao; tâm tư nguyện vọng của chính những công nhân có kỹ thuật cao để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.
Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Chính Phủ gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật cao – những người đang làm chủ công nghệ, làm chủ máy móc, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao thay thế chuyên gia nước ngoài; tích cực, sáng tạo trong học tập, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến, của thế giới để sản xuất thiết bị máy móc hiện đại.
Diễn đàn đặc biệt có ý nghĩa khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới./.
Theo Vũ Dũng - Kim Dung (VOV)