Tiêm vắc-xin viêm gan B: Tiêm muộn sẽ kém hiệu quả
Từ đầu năm 2019 đến nay, mới có 4.378 trẻ (17,7%) được tiêm vắc-xin viêm gan B mũi 1 trước 24 giờ sau sinh, trong khi mục tiêu cả năm là 24.698 trẻ (80%). Ngành Y tế khuyến cáo, trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B muộn, việc phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ kém hiệu quả.
Vẫn còn e ngại
Hằng ngày, từ 9 giờ 30 phút, khoa Phụ sản (BVĐK tỉnh) đều đặn tổ chức tư vấn, khám sàng lọc và tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trước 24 giờ. Buổi tiêm sáng 3.5 có 30 bé, do bác sĩ Trần Hồ Thoại My và 3 điều dưỡng, nữ hộ sinh thực hiện; kết quả có 25 bé đủ điều kiện tiêm, các bé còn lại chống chỉ định tiêm do bệnh vàng da sơ sinh, bú kém… được tư vấn theo dõi để tiêm bổ sung.
Tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh, phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến, Phó trưởng khoa Phụ sản, bình quân mỗi tháng có hơn 600 trẻ chào đời tại khoa, tỉ lệ trẻ được tiêm vắc-xin viêm gan B hơn 94%. Bác sĩ đều tư vấn cho sản phụ và người nhà về lợi ích và sự cần thiết tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu cho trẻ, trừ trường hợp chống chỉ định tạm thời, chỉ còn một số ít không đồng ý tiêm cho bé. “Chúng tôi đều phải tư vấn và động viên gia đình tiêm cho bé. Trên thực tế, khoa chưa ghi nhận trường hợp bị sốc phản vệ với vắc-xin viêm gan B gây ra biến chứng nặng cho bé”, bác sĩ Tiến cho hay.
Hiện, phản ứng sau tiêm chủng đối với một số loại vắc-xin, nhất là với ComBE Five là một trở ngại. Sản phụ Lê Thanh Mai (huyện Phù Cát) cho biết, sau khi thấy báo đài phản ánh trẻ bị tử vong, hoặc biến chứng nặng sau tiêm một số loại vắc-xin, gia đình rất lo lắng. Còn sản phụ Trần Minh Như (TP Quy Nhơn) bày tỏ: “Bé mới sinh còn yếu, gia đình chưa cho tiêm ngay mà chờ thêm thời gian”.
Bên cạnh đó, vẫn còn một tỉ lệ nhất định trẻ ở những “vùng lõm về tiêm chủng” chưa được tiêm kịp thời vắc-xin viêm gan B. Tại huyện An Lão, bác sĩ Trương Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc TTYT huyện cho hay, 90% trẻ sinh tại trung tâm đều được tiêm vắc-xin viêm gan B. Tuy nhiên, vẫn còn số ít sản phụ ở vùng sâu, vùng xa như xã An Toàn, An Nghĩa, An Vinh sinh tại nhà nên không thể tiêm kịp thời mũi 1 vắc-xin viêm gan B cho trẻ.
“Thời gian vàng”
Dù khẳng định mũi 1 vắc-xin viêm gan B đều được tiêm bổ sung đầy đủ cho các bé ở vùng sâu, vùng xa, nhưng bác sĩ Trương Ngọc Hưởng thừa nhận, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin cho bé giảm đáng kể.
ThS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin, năm 2018, viêm gan B mũi 1 tiêm trước 24 giờ cho trẻ sau sinh đạt tỉ lệ 83,52%. Năm 2019 phản ứng sau tiêm chủng đối với một số loại vắc-xin, nhất là với ComBE Five khiến người dân lo ngại, có thể dẫn đến sự sụt giảm tỉ lệ tiêm chủng nói chung và vắc-xin viêm gan B sơ sinh nói riêng.
Viêm gan B là căn bệnh khá nguy hiểm và có sự lây truyền rất dễ dàng. Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B được xem là biện pháp hữu hiệu nhất phòng tránh căn bệnh nguy hiểm viêm gan B.
Khác với vắc-xin phòng lao, bại liệt và vắc-xin viêm gan B mũi 2, 3, 4 là để phòng phơi nhiễm trong tương lai; tiêm vắc-xin viêm gan B mũi 1 được tiêm càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với vi-rút ngay khi chào đời. “Đây là một cuộc đua giữa sự nhân lên của vi-rút và vắc-xin tạo ra kháng thể. Các mũi tiêm khác có thể tiêm bù lại được, nhưng vắc-xin viêm gan B hiệu quả nhất là 24 giờ đầu sau sinh, khống chế đến gần 90% nguy cơ mắc viêm gan. Bỏ qua “thời gian vàng” này, trẻ sẽ không thể tiêm bù lại được. Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến tiêm vắc-xin viêm gan B trẻ sơ sinh tại nhà nhằm tiếp cận nhóm trẻ ở vùng sâu, vùng xa”, ông Lân chia sẻ.
MAI HOÀNG