Phòng bệnh viêm đại tràng
Ở Việt Nam, cứ 3 người lại có 1 người gặp phải vấn đề về đại tràng. Bệnh dễ thành bệnh mãn tính và có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như thủng đại tràng, chảy máu nặng hay ung thư nếu không điều trị dứt điểm.
Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Phú - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh): Triệu chứng điển hình của bệnh viêm đại tràng là đột ngột đau bụng kiểu đau thắt bụng dưới, đau từng đoạn hoặc dọc khung đại tràng, cảm giác mót rặn, tiêu chảy phân toàn nước, có thể lẫn máu, chất nhầy. Nếu không kiên trì chữa dứt điểm thì bệnh rất dễ tái phát, trở thành mãn tính.
Một khi đã mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính, việc chữa trị trở nên rất khó khăn, nhiều bệnh nhân phải chấp nhận sống chung với bệnh trong nhiều năm. Nguy hiểm hơn, viêm đại tràng mãn tính sẽ có nguy cơ xuất hiện những biến chứng như: giãn đại tràng cấp tính, thủng đại tràng, chảy máu nặng và ung thư đại trực tràng.
Cách chữa bệnh hiệu quả nhất chính là bảo dưỡng tốt hệ tiêu hóa. Với trường hợp mới mắc bệnh, trước hết cần giảm tối đa những đồ ăn gây kích ứng như: đồ ăn sống, chua cay, bia rượu và cà phê; điều trị hồi phục niêm mạc đại tràng bị tổn thương. Với trường hợp đã mắc bệnh hơn 1 năm, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị, và phát hiện sớm các biến chứng nặng hơn.
“Để phòng bệnh viêm đại tràng, chúng ta cần thường xuyên rèn luyện thể lực hàng ngày; tạo thói quen ăn uống đúng giờ và cân bằng dinh dưỡng; ngủ, vệ sinh đúng giờ. Thực hiện ăn chín, uống sôi, tránh ăn gỏi tôm cá, thịt tái, tiết canh, mắm tôm, tép. Chú ý uống đủ nước, nhất là người già. Điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng đường ruột như thương hàn, lỵ trực khuẩn, lỵ amip. Bổ sung men tiêu hóa: dùng sữa chua hoặc các loại men tiêu hóa sống. Người mắc bệnh viêm đại tràng không nên tự mua thuốc điều trị, không giải quyết đúng nguyên nhân và có thể gây biến chứng nguy hiểm!”, bác sĩ Phú lưu ý.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)