Báo Cứu Quốc số đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ
Báo Cứu Quốc số đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ có 2 trang, nhưng có thể nói để ra được một tờ báo kịp thời phục vụ chiến thắng vĩ đại như vậy thì toàn bộ tờ báo từ chủ bút, phóng viên chiến trường, trị sự, công nhân in của báo Cứu Quốc đã phải làm việc như một cuộc chạy đua từng ngày, từng giờ với các sự kiện lịch sử...
.
Trang 1 Báo Cứu Quốc số 2594.
Báo Cứu Quốc với chiến dịch Điện Biên Phủ
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, bất chấp bom đạn và mọi gian nguy khổ cực, trong bất cứ tình huống nào, báo Cứu Quốc vẫn xuất bản đều. Các phóng viên báo suốt 9 năm kháng chiến tham gia các chiến dịch quân sự và các trận đánh lớn của bộ đội, ở tiền tuyến cũng như ở vùng sau lưng địch, đến với nhân dân các địa phương hăng hái sản xuất và đi dân công phục vụ chiến đấu, hòa mình vào cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Thời gian này, do tình hình chiến sự, Cứu Quốc phải thường xuyên di chuyển qua nhiều địa điểm thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang... Điều kỳ diệu là suốt 8 năm trên chiến khu, trải qua nhiều khó khăn gian khổ, có cả tổn thất hy sinh, song Cứu Quốc là tờ hằng ngày duy nhất vẫn xuất bản và phát hành đều đặn. chỉ riêng việc báo ra đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, có thể nói đó là một kỳ tích.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà báo, nhà văn, văn nghệ sĩ đã tập trung đông đảo ở chiến trường. Chỉ riêng Báo QĐND đã có tới 5 phóng viên dạn dày kinh nghiệm là Hoàng Xuân Tuỳ, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và Hoạ sĩ Nguyễn Bích. TTXVN có Hoàng Tuấn - một “chuyên gia về tổng hợp tin và thông báo chiến sự”; Đài Tiếng nói Việt Nam có phóng viên Nguyễn Nhất. Báo Nhân Dân có Thép Mới và Trần Đĩnh… Ngoài ra còn có một số văn nghệ sĩ tham gia viết báo như các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Trần Dần; hoạ sĩ Mai Văn Hiến; các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác; các nhà nhiếp ảnh Triệu Đại, Ngọc Thông; nhà quay phim Tiến Lợi…
Báo Cứu Quốc cũng là một một tờ báo xông xáo không kém, báo đã cử các nhà báo Thái Duy và Chính Yên trực tiếp ra mặt trận. Trong hồi kí của nhà báo Nguyễn Thành Lê - nguyên Chủ bút tờ Cứu Quốc - nhớ lại: “…Trong thế bị động, địch nhảy dù đóng chốt ở Điện Biên Phủ hòng thọc sau lưng ta, âm mưu nhử quân ta vào bẫy và cắt liên hệ giữa chiến trường Việt Nam và chiến trường Lào. Ta quyết tâm tiêu diệt địch. Quân ta bao vây địch ngày càng chặt. Bộ đội, dân công dồn dập ra tiền tuyến. Cũng như trong các chiến dịch khác, nhiều phóng viên báo Cứu Quốc vác ba lô đựng giấy, bút, mực ra mặt trận”.
Trang 2 Báo Cứu Quốc số 2594.
Số đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ của báo Cứu Quốc
Báo in một màu, ngày tháng được đề trên măng set báo: Năm thứ 12 - số 2594, Thứ ba, 11.5.1954. Giá bán: 200 đồng.
Tờ báo vẫn ghi Chủ nhiệm Xuân Thủy, Chủ bút Nguyễn Thành Lê (tuy ông Nguyễn Thành Lê đã đi Hội nghị đàm phán ngoại giao ở Giơ ne vơ từ tháng 3.1954 tới đầu tháng 8.1954 mới trở về Thái Nguyên cùng Đoàn Đàm phán của Chính phủ Việt Nam DCCH. Người điều hành tờ báo lúc này là ông Ngọc Kha- sau 1954 làm Tổng Biên tập).
Tờ báo có dòng in đậm: Số đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trang 1: Có bài Xã luận (kí tên Cứu Quốc): Đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ- Hãy làm tròn những nhiệm vụ trước mắt: Tiến lên giành những thắng lợi rộng lớn hơn nữa..
Tiếp đó là Điện văn của Quốc hội và Mặt trận Liên Việt, gửi Ban Chỉ huy, các cán bộ, chiến sĩ QĐND và anh chị em dân công tại mặt trận Điện Biên Phủ (ngày 8.5.1954) do quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch mặt trận Liên việt - Tôn Đức Thắng kí. Bên cạnh đó là thư của BCH TƯ đảng LĐ VN gửi các chiến sĩ, anh chị em dân công ở Mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương.
Tiếp đến là Thông cáo của Bộ tổng Tư lệnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ: Tiêu diệt hơn 1 vạn 6 nghìn quân tinh nhuệ của địch (trong đó có toàn bộ các cơ quan chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ gồm 1 thiếu tướng, 16 quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan); Bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại thu toàn bộ xe cộ, vũ khí, kho tàng (trong đó có trên 3 vạn chiếc dù).
Khẩu hiệu cuối trang: Hoan hô các chiến sĩ anh dũng và dân công chiến thắng lớn ở Điện Biên Phủ!
Hoan hô các chiến sĩ chiến thắng trên các chiến trường toàn quốc!
Trang 2 có ghi “Cứu Quốc Trung ương”, có sơ đồ mặt trận Điện Biên Phủ cùng những bài: “Điện Biên Phủ sau giờ Đại Thắng lịch sử”, “Vạch mặt bọn vừa đánh trống vừa ăn cướp” (kí tên Giao Lưu), “Bọn phi công địch bị ta bắt sống ở mặt trận Điện Biên Phủ tỏ lòng căm ghét bọn chỉ huy Pháp - Mỹ” và bài ghi chép: “Một đêm chiến đấu trong đường hầm trọng pháo của quân ta ở Điện Biên Phủ” (kí tên Thái Duy).
Khẩu hiệu cuối trang: Hoan nghênh chiến thắng Điện Biên Phủ - Quyết giành những thắng lợi lớn hơn nữa!
Báo Cứu Quốc số đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ có 2 trang, nhưng có thể nói để ra được một tờ báo kịp thời phục vụ chiến thắng vĩ đại như vậy thì toàn bộ tờ báo từ chủ bút, phóng viên chiến trường, trị sự, công nhân in của báo Cứu Quốc đã phải làm việc như một cuộc chạy đua từng ngày, từng giờ với các sự kiện lịch sử. Mặt trận Điện Biên Phủ thực sự là một trường học mà ở đó những người làm báo được tôi luyện về ý chí, được nâng cao về trình độ nghiệp vụ, trình độ tổ chức, từ đó hình thành nên một phong cách làm báo riêng của tờ Cứu Quốc.
Theo Tô Chiêm (daidoanket.vn)