Thành tựu xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam
Thời gian qua, một số kẻ xấu vẫn cố gắng bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam bằng cách xuyên tạc, phủ nhận các thành tựu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của Việt Nam.
Họ cho rằng, Đảng và Nhà nước không quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo nên nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa rất nghèo nàn, lạc hậu, trong đó có cả những vùng đất là “cái nôi” của cách mạng. Vậy sự thật là như thế nào?
Phát triển kinh tế vùng cao. Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo.
Cuối năm 2017, khi đến thành phố Đà Nẵng dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Tổng thống Mỹ D.Trump đã phải thốt lên rằng “Việt Nam là điều kỳ diệu của thế giới”. Ngày 26.2.2019, ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội để dự Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai, Tổng thống Mỹ D.Trump lại ngắm nhìn thủ đô của Việt Nam rồi trầm trồ nhận xét: “Việt Nam đang là một trong những nơi phát triển hiếm có trên Trái Đất”.
Điều gì khiến vị tổng thống của đất nước được coi là siêu cường của thế giới, và hơn nữa đây vốn là quốc gia từng gây chiến tranh tàn phá Việt Nam khi xưa, nay buộc phải thừa nhận như vậy? Điều gì khác ngoài thực tế quá rõ ràng để không chỉ Tổng thống Mỹ D.Trump mà bất cứ ai đến Việt Nam cũng nhận thấy rõ là: Việt Nam đang là một đất nước phát triển rất nhanh, một nền kinh tế năng động, đời sống người dân ngày một tốt hơn.
Thực tế, việc xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mọi quốc gia, mọi dân tộc, cho đến mọi cá nhân trên thế giới. Bởi ngay cả ở nước Mỹ là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới thì nhiệm vụ chống đói nghèo vẫn còn rất nan giải. Theo Cục Thống kê dân số Mỹ, năm 1992, nước Mỹ có 40 triệu người nghèo và đến năm 2017, số lượng người nghèo còn tăng lên 41 triệu người, chiếm khoảng 12,7% dân số, trong đó có khoảng 46% thuộc diện “cực nghèo”. Khoảng 1,5 triệu hộ gia đình ở Mỹ, bao gồm 2,8 triệu trẻ em, có mức sống chưa đầy 2USD/người/ngày. Mỹ hiện có khoảng 500.000 người vô gia cư. Ở bên ngoài các thành phố lớn ở Mỹ có những khu vực chìm trong nghèo đói triền miên.
Trong bài viết trên tờ Washington Post hồi tháng 12-2017, Giáo sư Premilla Nadesen tại Đại học Barnard ở New York cho hay, tại Mỹ, mạng lưới an sinh không được bảo đảm dẫn tới sự gia tăng về tỷ lệ nghèo. Mỹ hiện là nước có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất trong số các nước phát triển, lên tới 25%.
Thế còn tại Việt Nam, ngay từ khi mới giành được độc lập, chính quyền còn non trẻ, thế nước còn yếu, thù trong giặc ngoài, nguồn lực vô cùng eo hẹp nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt, là động lực phấn đấu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cho tới từng người dân Việt Nam trong suốt những năm qua, nhất là từ đầu thời kỳ Đổi mới tới nay. Nền kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm từ nông nghiệp lúa nước lạc hậu. Đất nước bị thực dân, đế quốc đô hộ, áp bức, rồi bị chiến tranh tàn phá suốt mấy chục năm. Từ một xuất phát điểm thấp như vậy mà đến nay đã là nước có nước thu nhập trung bình của thế giới, mức sống người dân ngày càng được nâng lên, thành tựu ấy không phải quốc gia nào lâm vào hoàn cảnh ấy cũng làm được.
Có thể lấy ví dụ về sự đổi thay của TP Hồ Chí Minh. Thời trước giải phóng, Sài Gòn đã từng được ca tụng là “hòn ngọc Viễn Đông” vì sự xa xỉ, phồn hoa. Thế nhưng, sự xa xỉ, phồn hoa đó chỉ là vỏ bọc giả tạo, nhờ vào hàng viện trợ của Mỹ để hà hơi, tiếp sức cho ngụy quyền Sài Gòn. Thực chất nền kinh tế miền Nam trước giải phóng rất yếu kém, phần lớn người dân chìm trong đói khổ. Chỉ cần ra khỏi Sài Gòn vài chục ki-lô-mét là đã thấy ngay nghèo nàn, tăm tối. Đến nay, sau 44 năm giải phóng, TP Hồ Chí Minh đang ngày càng phát triển. Vùng đất Củ Chi khi xưa vốn là nơi hứng mưa bom của Mỹ thì nay kinh tế ngày càng đi lên. Huyện Củ Chi đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,66% đầu năm 2016 xuống chỉ còn 0,36% cuối năm 2018. Ðến nay, huyện Củ Chi đã hoàn thành chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Ngay từ năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015). Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với năm 2017.
Trong năm 2019, sẽ tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm. Riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% đến 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, cần thực hiện cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Riêng thu nhập của hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp hai lần.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm mạnh là kết quả rất đáng khích lệ, kết quả của những nỗ lực chính sách tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số.
Mặc dù các chương trình, các chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện rất hiệu quả, được thế giới ghi nhận nhưng các chương trình, chính sách ấy vẫn liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả. Ngày 19.11.2015, một thay đổi có tính đột phá là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó xác định chuẩn nghèo mới thay thế cho chuẩn nghèo cũ với các tiêu chí thoát nghèo cao hơn. Cùng với đó đã xác định rõ 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ 10 chỉ số này để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cập đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Việc ban hành mức chuẩn nghèo mới và xác định những căn cứ để đo lường; giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân chính là cơ sở để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, giảm nghèo đa chiều, cũng như hoạch định các chính sách kinh tế-xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020.
Trong việc hoạch định các chính sách về xóa đói, giảm nghèo cũng đã có những thay đổi rất căn bản. Để nâng cao hiệu quả của chính sách, Chính phủ đã gộp tất cả các chương trình xóa đói, giảm nghèo lại thành một chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” (Theo Quyết định 1722-QĐ/TTg, ngày 2.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ), với một đầu mối quản lý chung nhất là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong đó bao gồm 5 dự án thành phần là: Chương trình 30a (giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi); Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.
Chính phủ Việt Nam đề ra Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020), với số vốn 41.449 tỷ đồng (đã giao cho chương trình trong 2 năm 2016-2017 là 14.584 tỷ đồng). Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng. Các địa phương trong cả nước còn huy động được khoảng hơn 7.303 tỷ đồng, trong đó, chi hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo hơn 5.560 tỷ đồng trong các năm 2016 và 2017. Các chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, cho các hộ nghèo vay vốn để có sinh kế... đã giúp phát triển hạ tầng ở các vùng quê mà người dân cũng từng bước có sinh kế bền vững. Một điều thú vị là tại Việt Nam, mạng viễn thông 4G, 3G được đưa tới tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Có nghĩa là internet tốc độ cao có mặt ở khắp nơi tại Việt Nam với giá rẻ, khiến mọi người dân đều có thể tiếp cận, sử dụng.
Có một thực tế, các địa phương là những cái nôi của cách mạng thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, có điều kiện tự nhiên rất khó khăn, giao thông đi lại chưa thuận lợi, đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, trình độ dân trí nhìn chung còn chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, thoát nghèo. Hơn nữa, tại những nơi này thường xuyên xảy ra thiên tai, chỉ cần một trận bão, lũ có thể khiến những thành quả xây dựng kinh tế, thoát nghèo trở về con số không. Do đó, để các địa phương trên thoát nghèo bền vững cần nỗ lực thường xuyên của cả hệ thống chính trị và người dân.
Theo ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, đến nay, đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. 14 huyện không còn được hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a. Sau nhiều năm thực hiện và căn cứ tình hình thực tế tại các địa phương, mục tiêu đến năm 2020 có 50% số huyện nghèo ra khỏi diện Nghị quyết 30a là có thể đạt được. Tương tự, mục tiêu 30% số xã khó khăn ra khỏi tình trạng khó khăn cũng có thể đạt được. Thậm chí, với khoảng 500 xã thuộc diện Chương trình 135, mục tiêu đến năm 2020, có thể đạt được từ 20% đến 30% ra khỏi tình trạng khó khăn.
Trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 6.1.2017, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” thực chất luôn là phương châm hành động, luôn là quyết tâm của cả hệ thống chính trị Việt Nam, để mọi địa phương, mọi người dân Việt Nam đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế.
Theo HỒ QUANG PHƯƠNG (QĐND)