KỶ NIỆM 65 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7.5.1954 - 7.5.2019):
Còn mãi những ký ức hào hùng
Chiến thắng Ðiện Biên Phủ ngày 7.5.1954 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. 65 năm trôi qua, ký ức về những tháng ngày hào hùng ấy vẫn vẹn nguyên trong những người lính đã từng tham gia vào chiến dịch lịch sử này.
Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh tư liệu
Từ chiến trường Liên khu 5
Ông Hoàng Minh Tùng (SN 1932, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) từng là chiến sĩ của Tiểu đoàn công pháo 71 (Phòng Tham mưu Liên khu 5) và Trung đoàn 803 (được thành lập ngày 20.6.1950 tại xã Cát Hanh, huyện Phù Cát). Đây là một trong 2 trung đoàn chủ lực trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Liên khu 5. Ngay từ khi ra đời, Trung đoàn 803 đã chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch trên khắp chiến trường Liên khu 5 từ mặt trận Tây Nguyên đến các tỉnh Duyên hải miền Trung; tham gia nhiều chiến dịch chống quân Pháp trên chiến trường Bình Định và Tây Nguyên giai đoạn 1945 - 1954.
“Chiến thắng Ðăk Pơ có một ý nghĩa vô cùng quan trọng cùng với chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã góp phần buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, sớm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng Ðăk Pơ được đánh giá là “Ðiện Biên Phủ của Liên khu 5””, ông Nguyễn Duẩn tự hào nói.
Ông Tùng nhớ lại: Liên tiếp bị thua đau trên khắp các chiến trường Việt Nam và Đông Dương, tháng 5.1953, được sự trợ giúp của Mỹ, chính phủ Pháp cử tướng Nava, Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tướng Nava đã triển khai và thực thi “Kế hoạch Nava” quyết tâm đến mùa xuân 1954, sẽ xóa bỏ vùng tự do Liên khu 5; sau đó tập trung binh lực mở cuộc tiến công chiến lược ở miền Bắc, gây sức ép buộc ta phải nhận đàm phán theo những điều kiện do chúng áp đặt. Điện Biên Phủ là điểm trung tâm của Kế hoạch Nava.
Tuy nhiên, giữa năm 1953, quân Pháp bị vây hãm đến kiệt cùng trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Trong thế nguy, ở Liên khu 5, quân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng. Tháng 12.1953, để đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, quân Pháp mở nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch Át Lăng nhằm tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh chiếm hết vùng tự do Liên khu 5 gồm 4 tỉnh: Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên. Từ tháng 1.1954, chiến dịch Át Lăng đã bị quân và dân Phú Yên, Bình Định, Gia Lai đánh trả quyết liệt nên bị phá sản hoàn toàn.
Còn CCB, đại tá Nguyễn Duẩn (SN 1931, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) từng là cán bộ của Tiểu đoàn 30 Liên khu 5 và Trung đoàn 96, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Định và Tây Nguyên giai đoạn 1949 - 1954, trong đó có nhiều chiến dịch nổi tiếng như chiến dịch An Khê, chiến dịch giải phóng Kon Tum, đặc biệt là chiến dịch Đăk Pơ. Ông Duẩn nhớ lại, thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến trường ở Liên khu 5 đồng loạt nổ súng đánh Pháp để “chia lửa” cho chiến trường Điện Biên Phủ.
“Trong điều kiện thiếu thốn lương thực, thực phẩm, ở nơi rừng sâu, nước độc, dụng cụ chỉ có cuốc, xẻng nhưng chúng tôi vẫn hăng say phá núi mở đường. Nhiều đồng chí bị sốt rét rừng hành hạ, vậy mà không chịu nghỉ ốm, làm suốt ngày lẫn đêm. Chỉ từ tháng 12.1953 đến tháng 2.1954, đơn vị thanh niên xung phong chúng tôi đã hoàn thành hàng chục kilômét đường vào các trận địa pháo”, ông Nguyễn Công Chức nhớ lại.
Ông Duẩn kể, đang thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt và chuẩn bị kết thúc thì ngày 1.5.1954, Trung đoàn 96 thuộc thế hệ thứ 2 chính thức được thành lập tại thôn Vĩnh Thạnh, xã Bình Quang, huyện Bình Khê (nay là xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh). Trung đoàn chỉ có 700 cán bộ, chiến sĩ thuộc 2 Tiểu đoàn 40 và Tiểu đoàn 79 nhập vào, nhằm tăng cường lực lượng đánh quân Pháp tại chiến trường Liên khu 5. Chỉ sau một thời gian thành lập, ngày 24.6.1954, Trung đoàn 96 cùng quân dân An Khê - Gia Lai đã tiêu diệt gọn binh đoàn GM100 của Pháp - một binh đoàn cơ động thuộc loại mạnh nhất của lực lượng viễn chinh Pháp, gồm hầu hết là lực lượng tinh nhuệ, với nòng cốt là lính Âu - Phi ở Triều Tiên mới điều về Đông Dương.
“Chiến thắng Đăk Pơ có một ý nghĩa vô cùng quan trọng cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, sớm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng Đăk Pơ được đánh giá là “Điện Biên Phủ của Liên khu 5”, ông Duẩn tự hào nói.
Đến chiến dịch Điện Biên Phủ
Từng tham gia nhiều chiến dịch nhưng với CCB, đại tá Nguyễn Công Chức (SN 1935, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) thì những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiều kỷ niệm nhất. Tháng 10.1953, ông tham gia vào đơn vị thanh niên xung phong của Tỉnh đoàn Nam Định lên Điện Biên mở đường cho chiến dịch. Ông Chức nhớ lại: “Trong điều kiện thiếu thốn lương thực, thực phẩm, ở nơi rừng sâu, nước độc, dụng cụ chỉ có cuốc, xẻng nhưng chúng tôi vẫn hăng say phá núi mở đường. Nhiều đồng chí bị sốt rét rừng hành hạ, vậy mà không chịu nghỉ ốm, làm suốt ngày lẫn đêm. Chỉ từ tháng 12.1953 đến tháng 2.1954, đơn vị thanh niên xung phong chúng tôi đã hoàn thành hàng chục kilômét đường vào các trận địa pháo”.
Hoàn thành nhiệm vụ mở đường, ông Chức được biên chế vào Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308, tiếp tục vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược cho các đơn vị của Đại đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và vận chuyển số thương binh, chiến sĩ hy sinh về tuyến sau.
Các CCB tham gia kháng chiến chống Pháp của tỉnh Bình Định, trong đó có một số cựu chiến sĩ Điện Biên về thăm lại chiến trường xưa và chụp ảnh lưu niệm nơi là Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: CCB
Ở tuổi 84 nhưng những kỷ niệm về một thời oanh liệt vẫn in đậm trong trí nhớ của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Khi nghe nhắc nhớ lại những ký ức của lịch sử, ông Chức kể: “Thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, Đại đoàn 308 được lệnh hành quân sang Thượng Lào nhằm thu hút không quân và lực lượng cơ động địch, tạo điều kiện cho ta đưa pháo ra an toàn và phá vỡ con đường rút lui của địch. Trong trận truy kích này, Đại đoàn 308 mặc dù không được chuẩn bị về hậu cần nhưng đã tiêu diệt và làm tan rã 17 đại đội địch, trong đó có 1 tiểu đoàn lính lê dương bị tiêu diệt gọn, thu hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, giải phóng hoàn toàn lưu vực sông Nậm Hu, đập tan hành lang chiến lược, đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế bị cô lập hoàn toàn. Sau đó, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho Đại đoàn 308 ngừng tiến công ở Thượng Lào, bí mật và nhanh chóng quay về Điện Biên Phủ. Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 vừa xây dựng trận địa tiến công và bao vây, phối hợp với các đơn vị bạn chia cắt các cứ điểm địch, hỗ trợ chiến đấu đưa vòng vây của ta ngày càng tiến sâu vào khu trung tâm. Những ngày cuối cùng của chiến dịch, Đại đoàn 308 sau khi chốt giữ phía Tây Mường Thanh, cùng với các cánh quân của ta từ mọi hướng tiến thẳng vào Sở chỉ huy địch. 17 giờ 30 phút ngày 7.5.1954, toàn bộ quân địch đầu hàng, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của ta bay trên nóc hầm De Castries, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi”.
Chiến dịch Ðiện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm, nhưng các trận đánh không diễn ra liên tục mà được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 13 đến 17.3.1954, quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Ðộc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Giai đoạn 2 từ ngày 30.3 đến 30.4.1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Ðông phân khu trung tâm; thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho Tập đoàn cứ điểm. Giai đoạn 3 từ ngày 1 đến 7.5.1954, ta đánh dứt điểm dãy đồi phía Ðông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng.
NGUYỄN PHÚC