Người lính già và ký ức Ðiện Biên
Người lính già sống trong ngôi nhà giản dị đầu con đường nhỏ ở TP Quy Nhơn. Ngày qua ngày, ông lặng lẽ với những ký ức hào hùng và đau thương gắn liền với địa danh Ðiện Biên.
Ảnh cưới của ông Trần Chiếu và bà Trần Thị Bích Vân chụp năm 1959.
Căn nhà 35A Võ Đình Tú hay khép cửa. Mấy tháng nữa, người lính già Trần Chiếu tròn 100 tuổi, song ông vẫn ở một mình và tự lo cho mình. “Đồng đội mình hy sinh khi chưa tròn hai mươi, chưa vợ con. Mình sống đến bây giờ, ăn uống đầy đủ, chẳng có gì phải than vãn cả”, mở đầu câu chuyện là cái cười nhẹ tênh.
Đời binh nghiệp của ông trải qua biết bao đơn vị, bao trận chiến. Cũng không thể nhớ hết, càng không muốn kể đến công trạng của mình, ông chỉ nói rất gọn về 2 dấu mốc quan trọng. Đó là những ngày tháng công tác tại cơ quan tham mưu của chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi cùng đồng đội tiến bước vào Nam giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước.
“Làm sao có thể quên được những con đường ở Tuần Giáo, Mường Phăng (những địa danh ở Điện Biên), từng bước đi khó nhọc với quân trang nặng trĩu trên vai. Mình vất vả một thì những người dân công còn vất vả mười. Giờ nhớ lại, chẳng hiểu sao hồi đó chúng mình khỏe thế”, ông chậm rãi kể.
Ông từ chối nói về chiến tích của bản thân, nhưng chỉ qua tấm Huân chương Chiến sĩ hạng III do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng ngày 22.12.1955 cũng đủ thấy đóng góp của người con xứ Dừa Hoài Nhơn cho chiến thắng chung của dân tộc. Ông còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng II và hạng III, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng I.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trần Chiếu ở lại tiếp quản sân bay Mường Thanh. Năm 1959, ông cưới vợ - cô thanh niên xung phong Trần Thị Bích Vân từ Hà Nội lên để xây dựng cuộc sống mới. Ông bà có 3 người con, con gái đầu ông đặt tên là Trần Thị Thanh Biên (ghép từ 2 địa danh Mường Thanh và Điện Biên), để ghi dấu kỷ niệm về vùng đất ông bà đã cống hiến cả thanh xuân.
Về Thủ đô Hà Nội ngày giải phóng, ông tình cờ gặp lại mẹ sau 9 năm biệt tăm tức, mới biết gia đình đã lập bàn thờ cho mình trong từng ấy năm. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, ông ở lại tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất. Nghỉ hưu, ông bà ở lại đây, đến khi bà ra đi ông mới quyết định về Quy Nhơn an vui tuổi già gần cháu con.
Về thành phố biển, ông gần gụi, vui vầy cùng hàng xóm, chiều chiều còn nhâm nhi với mấy người bạn. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông rất minh mẫn, vẫn đọc báo, xài di động. Ông lão gầy gò ấy vẫn thường xuyên về quê ở xã Hoài Thanh thăm mộ ông bà và vợ. Tự đi xe buýt, sáng đi chiều về. Thầm lặng như cái cách ông đi qua từng cuộc chiến...
NGUYỄN VĂN TRANG