Sử thi Bahnar Kriêm
Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) và gia đình cố nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) Hà Giao thực hiện, phát hành sách “Sử thi Bahnar Kriêm”.
“Sử thi Bahnar Kriêm” là công trình nghiên cứu do Hà Giao chủ biên, với sự hỗ trợ, cộng tác, biên dịch của một số cộng tác viên là người dân tộc thiểu số, như: Bok Đoan, Đinh Yoan, Y Nam… Đây là công trình thuộc Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
“Sử thi Bahnar Kriêm” dày 385 trang, bao gồm các sử thi: Dyông Knoa, Hai chị em Dyông, Dyông Kman, Bya Phu và Đăm Kop, Đăm Dyông… Theo tác giả Hà Giao, người Bahnar hiện sinh sống chủ yếu từ Bình Định đến Đắk Lắk và có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo nhóm địa phương, như: Gơlơng, Tôlô, Gơlai, Kriêm… Trong đó, người Bahnar Kriêm chủ yếu sinh sống ở địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Đáng lưu ý, người Bahnar có một nền văn hóa khá đặc sắc, đồng thời, mỗi nhóm địa phương lại có những sắc thái văn hóa riêng, trong đó có nhiều loại hình: kiến trúc, âm nhạc, hoa văn, văn hóa dân gian…
Riêng về văn hóa dân gian, theo Hà Giao, người Bahnar Kriêm còn lưu giữ một mảng khá lớn là hơamon (tức sử thi), với hàng chục bản sử thi độc đáo. Nội dung cốt lõi của các sử thi là sự khẳng định cái thiện, cuộc đấu tranh với cái ác và chiến thắng của cái thiện. Hai sử thi Dyông Knoa và Dyông Kman là câu chuyện về những chàng trai cùng tên, dũng cảm, tài ba, điển hình cho nội dung cốt lõi của sử thi. Đây cũng là 2 bản sử thi có nhiều tình tiết kỳ lạ, chưa thấy ở bản sử thi nào khác.
Về Hai chị em Dyông, đây là bản sử thi kể về lòng dũng cảm và trí thông minh của hai chị em Bya Phu và Dyông. Bản sử thi này không chỉ ca ngợi sức mạnh cơ bắp và vẻ đẹp của người phụ nữ, mà còn ngợi ca ý chí đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ buôn làng. Sử thi Hai chị em Dyông còn hé ra một góc xã hội mẫu hệ Bahnar Kriêm, ở đó vai trò quyết định, dẫn dắt của người phụ nữ rất rõ ràng.
Trong khi đó, Đăm Dyông là sử thi phản ánh xã hội khi chưa hình thành giai cấp, thời kỳ mà “con thú và con người còn biết trò chuyện với nhau”. Bản sử thi này không thiên về trữ tình, ngược lại ca ngợi tinh thần đấu tranh của người Bahnar Kriêm xưa nhằm chế ngự và chiến thắng thiên nhiên.
Đặc biệt, theo Hà Giao, mỗi bản sử thi là một tác phẩm văn học nghệ thuật tổng hợp. Nó thu hút hầu hết các giá trị văn hóa nghệ thuật vốn có của dân tộc, như: thơ ca, thần thoại, truyền thuyết, âm nhạc, diễn xướng… để chuyển hóa thành một tác phẩm tự sự bằng văn vần nhằm diễn đạt chủ đề tác phẩm và tư tưởng của cộng đồng. Với những giá trị như vậy, “Sử thi Bahnar Kriêm” là một tập sách quý không chỉ với những người yêu mến dân tộc và văn hóa Bahnar Kriêm mà cả những ai ham hiểu biết, muốn bồi trúc kiến văn về văn hóa Bahnar Kriêm. Nếu bạn quan tâm văn hóa Bahnar bạn sẽ không thể bỏ qua tập sách này.
VIẾT HIỀN