Xuất hiện 2 ổ dịch tả ở tỉnh nuôi lợn lớn nhất nước
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở Đồng Nai - địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước. Hai huyện phát hiện dịch là Trảng Bom và Nhơn Trạch.
Ảnh minh họa
Theo đó, tại huyện Trảng Bom, DTLCP xuất hiện tại ấp Tân Đạt, xã Đồi 61. Vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3 km.
Tuần trước, đàn lợn của ông Nguyễn Văn Đằng đột ngột đổ bệnh rồi chết. Qua lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định lợn chết dương tính với DTLCP, nên đã tiêu hủy, tiêu độc khử trùng xung quanh.
Huyện Trảng Bom sau đó đã lập 2 chốt kiểm dịch tại xã có ổ bệnh, tạm ngừng hoạt động 3 cơ sở giết mổ, tăng cường kiểm tra, xử lý các lò mổ lậu.
UBND huyện Nhơn Trạch cũng công bố DTLCP tại xã Phước Thiền, phạm vi ảnh hưởng tương tự như ổ dịch ở Trảng Bom.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, tỉnh có đàn lợn lớn nhất nước, hơn 2,5 triệu con. 75% đàn lợn được nuôi trang trại, còn lại nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình.
Bốn tháng đầu năm, hơn 20 tỉnh, thành phố trên toàn quốc xuất hiện DTLCP, trên 85.000 con lợn bị tiêu hủy. Việc dịch diễn biến phức tạp khiến giá lợn biến động liên tục thời gian qua. Hiện một số tỉnh phía Bắc đã công bố hết dịch.
TPHCM thêm hàng loạt chốt chặn ứng phó DTLCP
Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, có nguy cơ mầm bệnh xâm nhập và lây lan vào các tỉnh phía Nam ngày càng cao, UBND TPHCM ban hành quyết định phòng, chống bệnh này.
Theo đó, UBND TPHCM phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh động vật các cấp; tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát của đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh các cấp, kể cả các khu vực đường sông, ven kênh rạch, trong đó tập trung kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch bệnh, việc áp dụng “5 không” tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ nhập cư trên địa bàn…
Ngoài ra, thành lập chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động trên tuyến cao tốc Dầu Giây - TPHCM và khu vực cầu Phú Cường (giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương). Đồng thời tổ chức thu mua, giảm đàn và hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh; xử lý triệt để các hộ kinh doanh giết mổ lợn hoạt động trái phép… Tăng cường lấy mẫu giám sát virus DTLCP từ các tỉnh nhập vào thành phố.
Trường hợp DTLCP chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi tại TPHCM, nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh có cung cấp nguồn thịt lợn cho thị trường thành phố, UBND TPHCM chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh như trên, đồng thời thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ của thành phố và khu vực cầu Phú Long; xác định những nguồn lợn an toàn cho phép vận chuyển vào thành phố để giết mổ tiêu thụ.
Song song với đó là tăng cường vận động các hộ kinh doanh giết mổ tổ chức thu mua đàn lợn đến tuổi xuất chuồng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Với tình huống dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn, thì lập tức xử lý tiêu hủy lợn bệnh và lợn tiếp xúc mầm bệnh, khoanh vùng ổ dịch.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng bổ sung chính sách hỗ trợ thiệt hại đối với lợn con, lợn thịt các loại với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch xảy ra. Đối với lợn đực, lợn nái giống thương phẩm đang khai thác tại các hộ, trại chăn nuôi, hỗ trợ với mức từ 1,5 lần; đối với lợn giống cụ kỵ, lợn bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống mức hỗ trợ 2 lần so với mức hỗ trợ đối với các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh.
Theo BT (Chinhphu.vn)