Khám phá khu phố ẩm thực Quy Nhơn
Cuối tháng 4, UBND TP Quy Nhơn chính thức đưa khu phố ẩm thực Quy Nhơn đi vào hoạt động tại đường Ngô Văn Sở (phường Trần Phú) với 22 hộ kinh doanh. Ðây là một nội dung của chuỗi hoạt động nhằm tạo thêm điểm nhấn du lịch cho TP Quy Nhơn.
Từ hơn 30 năm qua, nhiều hộ dân ở đường Ngô Văn Sở đã kinh doanh ăn uống. Ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Quy Nhơn, cho biết: “Từ năm 2017, UBND TP Quy Nhơn có phương án xây dựng đường Ngô Văn Sở, Trần Độc thành khu phố ẩm thực với kinh phí 7 tỉ đồng. Giai đoạn 1, UBND TP Quy Nhơn đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đô thị (lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, lát gạch vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước…); mở rộng tuyến đường Ngô Văn Sở ra đường Xuân Diệu; làm cổng chào; hỗ trợ panô, mái hiên, bạt che mưa... Giai đoạn 2, các hộ kinh doanh ở đường Trần Độc, đường Ngô Văn Sở sẽ tự đầu tư, trang trí phù hợp”.
Các hộ kinh doanh ở khu phố ẩm thực được tập huấn về an toàn thực phẩm và cam kết thực hiện nội quy kinh doanh tại khu phố này.
Khu phố ẩm thực Quy Nhơn được quy hoạch theo hướng tập trung, dễ quản lý, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch của tỉnh. Sau chỉnh trang, đường Ngô Văn Sở đã thoáng đẹp và nhộn nhịp hơn. Theo quy định, khu phố ẩm thực sẽ cấm xe máy đi lại từ 16 giờ đến hơn 22 giờ hàng ngày. Bà Bùi Thị Thúy Hằng (ở nhà số 22/1 đường Ngô Văn Sở) cho biết: “Tôi kinh doanh hải sản khô tại đây được 20 năm. Khi UBND TP Quy Nhơn quy hoạch thành khu phố ẩm thực, gia đình tôi được hỗ trợ hơn 14 triệu đồng làm panô, bảng hiệu, mái hiên, bạt che mưa đồng bộ với các hộ khác. Các hộ kinh doanh được tập huấn về an toàn thực phẩm và cam kết thực hiện nội quy kinh doanh tại khu phố này. Tôi đầu tư kinh doanh thêm các đặc sản của Bình Định như bánh tráng nước dừa, bánh ít, tré, nem... Từ khi chính quyền tổ chức chỉnh trang, doanh thu của cửa hàng gia đình tôi tăng gấp đôi so với trước”. Còn bà Mai Thị Lương (ở nhà số 20 đường Ngô Văn Sở) cho biết: “Các hộ kinh doanh ở đây liên kết với nhau chủ động nguồn hàng, giá cả thống nhất tạo uy tín, thương hiệu cho khu phố ẩm thực. Ngoài việc kinh doanh phở, bún, bánh canh, tôi còn mở thêm quầy trái cây đặc sản phục vụ khách du lịch”.
Khu ẩm thực kết hợp món ăn đường phố thu hút giới trẻ với các món bánh tráng nướng, trà sữa, chè khúc bạch, kem cuộn... và những món ăn truyền thống địa phương như bún cá, nem nướng, bánh canh, bánh xèo, bánh bèo… giúp thực khách có những trải nghiệm ẩm thực thú vị. Chị Nguyễn Thị Thúy Vân (32 tuổi, du khách Hà Nội) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi cùng bạn đến TP Quy Nhơn. Chúng tôi tham khảo qua mạng xã hội để đến khu phố ẩm thực này. Tôi rất thích món mực rim, bún cá, bánh bèo và chè thập cẩm. Các món ăn rất ngon, giá khá rẻ!”.
Du khách tản bộ trong khu phố ẩm thực Quy Nhơn.
Để khu phố ẩm thực phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc địa phương hơn, có lẽ UBND thành phố nên tiếp tục có chính sách hỗ trợ, thu hút thêm các hộ kinh doanh khác, thúc đẩy hoạt động quảng bá về khu phố ẩm thực. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra thường xuyên để hoạt động kinh doanh ở khu phố nền nếp.
Hiện khu phố ẩm thực được bàn giao cho UBND phường Trần Phú quản lý. Để khu phố thực sự là điểm đến của khách du lịch, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú, cho biết: “Các hộ kinh doanh hiện vẫn chưa bỏ được thói quen lấn chiếm lòng đường, việc giữ gìn vệ sinh chung chưa tốt. Chúng tôi sẽ có giải pháp căn cơ để chấn chỉnh. UBND phường tiếp tục động viên, thuyết phục các chủ hộ kinh doanh đầu tư, nâng cao chất lượng các món ăn hơn nữa”.
HẢI YẾN