Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
(BĐ)- Ngày 8.5, bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý của các nhà giáo, cơ quan quản lý giáo dục và các sở, ngành, hội, đoàn thể liên quan của tỉnh về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) (ảnh).
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 120 điều đã được các ĐBQH thảo luận, đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật của Chính phủ và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật. Dự thảo Luật giáo dục đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và sẽ được tiếp tục tham gia góp ý tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cơ bản thống nhất những nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, tiếp tục góp ý đối với một số vấn đề cụ thể, như: Nên quy định nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi, vì theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội thì lao động nữ được nghỉ sinh 6 tháng; hơn nữa cơ sở vật chất và khả năng chăm sóc về y tế của các nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập còn hạn chế nên việc chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi là không đảm bảo (Điều 27, Cơ sở giáo dục mầm non). Đề nghị Quốc hội cân nhắc đối với cấp tiểu học cần thống nhất một chương trình, một bộ sách giáo khoa; ở các cấp học cao hơn thì một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (Điều 33). Đề nghị không quy định có Hội đồng trường trong trường mầm non và phổ thông công lập, bởi các loại hình trường này thuộc sở hữu nhà nước, do đó, Ban giám hiệu thực hiện chức năng quản trị đại diện quyền sở hữu nhà nước là phù hợp (Điều 56, Hội đồng trường). Đề nghị không nên quy định bắt buộc giáo viên mầm non phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, giáo viên phổ thông phải có bằng đại học sư phạm mà nên “mềm hóa”: thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”; bởi quy định trên sẽ đưa đội ngũ giáo viên vào cuộc “chạy đua” bằng cấp trong khi đó nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ để thực hiện chương trình sách giáo khoa mới đang được khởi động (Điều 73, Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo). Nên ghi thẳng vào luật về chính sách miễn học phí đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, giảm học phí đối với học sinh thuộc diện hộ cận nghèo, học sinh cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn (Điều 97, Học phí, dịch vụ tuyển sinh)…
Ngọc Quỳnh