Kỳ thi THPT quốc gia: Nhiều giải pháp nhằm bảo đảm công bằng
Rút kinh nghiệm từ những sai phạm ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, năm nay Bộ GD&ÐT có nhiều đổi mới về công tác coi thi, chấm thi, cả về yếu tố kỹ thuật cũng như con người nhằm hướng tới một kỳ thi minh bạch, công bằng.
Học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lý Tự Trọng trao đổi cách làm bài sau khi nhận kết quả bài kiểm tra Ngữ văn.
Nhiều điểm mới
Ông Phan Thanh Liêm, Phó trưởng phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT), cho biết: Nếu như năm trước, việc coi thi, chấm thi THPT quốc gia giao cho địa phương chủ trì thì năm nay Bộ GD&ĐT giao cho các trường đại học chủ trì chấm thi, riêng môn thi tự luận (môn Ngữ văn) vẫn do Sở GD&ĐT chủ trì chấm thi. Tại tỉnh Bình Định, các trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Phú Yên, CĐ Duy Tân (Đà Nẵng) sẽ chủ trì việc coi thi và chấm thi.
Theo Thông tư 03/2019TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT quốc gia, để tránh tình trạng gian lận trong thi cử, năm nay tại mỗi điểm thi sẽ gắn camera an ninh giám sát phòng bảo quản đề thi, ban chấm thi 24 giờ/ngày. Đồng thời tủ đựng bài thi, tủ đựng đề thi phải đảm bảo chắc chắn, được khóa và niêm phong, chìa khóa do trưởng điểm thi giữ.
Năm nay, thí sinh tự do, thí sinh học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cũng sẽ thi chung với các thí sinh giáo dục THPT. Theo đó, 17.839 thí sinh, trong đó có 17.616 thí sinh giáo dục THPT và 223 thí sinh GDTX tại Bình Định sẽ được sắp xếp thi chung.
Ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, công thức tính điểm tốt nghiệp có thay đổi, theo đó, điểm xét tốt nghiệp cho học sinh lấy từ kỳ thi THPT quốc gia sẽ tăng từ 50% lên 70%, 30% còn lại là điểm học bạ lớp 12. Ông Lê Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 An Nhơn nhận định, sau khi kết thúc đợt thi học kỳ 2, trường tổ chức các lớp ôn thi theo đúng năng lực mỗi học sinh nên việc thay đổi công thức tính điểm xét tốt nghiệp không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý học sinh.
Giáo dục tính trung thực, lòng tự trọng
Nhận xét chung trên nhiều góc nhìn khác nhau về những thay đổi trong cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay chứng tỏ ngành GD&ĐT tích cực tiếp thu và đặc biệt hướng tới tính công bằng trong thi cử nhưng quan trọng vẫn là con người. Do đó, cùng với việc bồi dưỡng kiến thức, nhiều trường còn giáo dục cho học sinh về tính trung thực, lòng tự trọng. Ví dụ ở trường THPT Nguyễn Trân (huyện Hoài Nhơn), nhằm kịp thời xử lý, ngăn chặn những sai phạm, hằng tuần, Trường đều tổ chức trực báo để giáo viên báo cáo những sự việc cần xử lý, chủ trương của Ban giám hiệu là không nhượng bộ, xử lý nghiêm khắc những học sinh vi phạm kỷ luật thi cử.
Tại mỗi buổi chào cờ đầu tuần, thầy Nguyễn Thanh Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Hoài Nhơn), luôn nhắc học sinh về trung thực trong thi cử. Không chỉ với học sinh lớp 12, những học sinh lớp 10 cũng được nhắc nhở về kỷ luật, quy chế kiểm tra, thi cử.
Cầm trên tay bài kiểm tra vừa được phát, bày tỏ quan điểm về gian lận trong thi cử, em Huỳnh Lê Ngọc Tuyết, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lý Tự Trọng chia sẻ: Em nghĩ gian lận trong thi cử sẽ cướp đi cơ hội của các bạn khác và chính người gian lận cũng là nạn nhân vì sẽ không biết được chính xác năng lực của mình.
THẢO KHUY