Trợ giúp pháp lý lưu động: Gỡ cho dân nhiều vướng mắc
Qua trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã giúp người dân “gỡ” nhiều vướng mắc về pháp luật, góp phần giảm tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân xã Tây An (huyện Tây Sơn).
Theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh, năm 2018, Trung tâm và các chi nhánh của Trung tâm đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh tổ chức 148 đợt TGPL lưu động. Kết hợp tổ chức 188 buổi tuyên truyền pháp luật với gần 9.800 lượt người tham dự tại 174 điểm, thôn, làng, khu dân cư. Hoạt động kết hợp giữa TGPL lưu động với phổ biến giáo dục pháp luật theo chuyên đề đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người dân và chính quyền cấp xã giải quyết những vướng mắc pháp luật kéo dài.
Ông Phan Văn Hùng, Trưởng Phòng pháp luật Dân sự - Đất đai, thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cho biết: Đến nay, 159 xã với hàng ngàn thôn, làng trên địa bàn tỉnh đều có bước chân của những người làm công tác TGPL. Hoạt động TGPL lưu động đã hiện diện ở các địa bàn xa xôi, cách trở như: thôn 5, xã An Vinh, thôn 1, xã An Toàn (huyện An Lão); làng Cà Nâu, xã Canh Liên, làng Canh Giao, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh); các làng của xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh); xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn)…
Tại các buổi TGPL lưu động, nhiều chuyên đề pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, thừa kế, bạo lực gia đình, tranh chấp dân sự… được báo cáo, trình bày, giải đáp sát với thực tế cuộc sống và nhu cầu của người dân. Các trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên trực tiếp trả lời thắc mắc của dân đã giải tỏa kịp thời những vướng mắc về pháp luật của bà con.
Còn theo ông Lê Thành Trung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thì: Hiện nay, phần lớn các nội dung vướng mắc pháp luật của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai; thừa kế; hôn nhân gia đình; bạo lực gia đình… Khi người dân thắc mắc, một số cán bộ ở cấp xã giải thích chưa rõ ràng, khiến họ bức xúc, khiếu nại. Qua các đợt TGPL lưu động, trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên tìm hiểu, giải đáp cụ thể các thắc mắc; giúp người dân hiểu rõ vấn đề, giảm đáng kể tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Đơn cử, ông T.V.H (74 tuổi, ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) có tài sản là nhà, đất và 5 người con (2 trai, 3 gái). Khi phân chia tài sản, ông H. không dành phần cho 3 người con gái vì quan niệm “con gái lấy chồng hết quyền lợi”. Các con gái khiếu nại đòi được chia tài sản, nhưng không gửi đơn tới tòa án để giải quyết theo đúng quy định pháp luật, mà liên tục “dí” đơn tới cấp xã.
Sau đó, đoàn TGPL lưu động về xã Ân Nghĩa tìm hiểu, phân tích, giải thích cặn kẽ các quy định về thừa kế, phân chia tài sản cho những người trong gia đình ông H. biết. Qua gần 1 giờ đồng hồ, ông H. và các người con đã vỡ lẽ, đồng ý phân chia tài sản thừa kế theo đúng quy định pháp luật, không phải “dắt” nhau ra tòa.
Hay trường hợp bà L.T.N (ở xã Cát Thắng, huyện Phù Cát) có tranh chấp dân sự về đất đai. Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhưng bà N. liên tục gửi đơn đến chính quyền cấp xã, huyện đề nghị giải quyết. Khi cấp xã, huyện không xử lý theo yêu cầu, bà N. tiếp tục khiếu nại, cho rằng cấp xã, huyện cố tình gây khó dễ. Sau khi đoàn TGPL lưu động giải thích đây là vụ việc tranh chấp dân sự, không thể khiếu nại hành chính thì bà N. mới “tha” cấp xã, huyện và tiến hành các bước giải quyết theo đúng Luật Tố tụng dân sự.
“Hoạt động TGPL lưu động với các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật trực tiếp ở khu dân cư đã góp phần tích cực trong việc gỡ những vướng mắc pháp luật của người dân, góp phần giảm đơn thư khiếu nại vượt cấp. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường hoạt động TGPL lưu động; đảm bảo 100% các xã thuộc huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, các xã miền núi, bãi ngang được tổ chức TGPL lưu động ít nhất 1 lần trong năm”, ông Lê Thành Trung cho biết.
VĂN LỰC