Khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản: Nâng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế
Sau 3 năm (2015 - 2017) triển khai dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương”, ngư dân tỉnh ta đã tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến trong khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Ngư dân Hoài Nhơn đưa cá ngừ đại dương lên bờ để bán.
Dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương” (viết tắt Dự án) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) phối hợp UBND tỉnh thực hiện. Dự án hỗ trợ 25 tàu câu tay cá ngừ đại dương về kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản, gồm máy móc, thiết bị và quy trình khai thác - xử lý - bảo quản sản phẩm, giúp ngư dân tiếp cận công nghệ, tăng hiệu quả kinh tế.
Đến nay, mặc dù không còn được Dự án hỗ trợ, nhưng ông Văn Công Việt, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, chủ tàu cá BĐ 91189 TS, vẫn đầu tư mua máy kéo câu, máy giết cá, nâng cấp hầm bảo quản sản phẩm trên tàu và áp dụng đúng quy trình Nhật Bản trong khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương. Ông Việt cho biết: “Tôi ứng dụng theo công nghệ Nhật Bản nên hiệu quả kinh tế tăng thấy rõ. Mỗi chuyến biển đánh bắt từ 15 - 20 ngày, sản lượng khai thác bình quân từ 1,2 - 2 tấn cá ngừ đại dương. Cũng từng đó cá nhưng giá bán lại cao hơn gấp nhiều lần so với phương pháp cũ”.
Những điển hình như trường hợp ông Văn Công Việt đã tác động tích cực đến cả những ngư dân ngoài Dự án. Họ tìm hiểu, áp dụng quy trình Nhật Bản để nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương. Ông Lê Văn Bình ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 98077, công suất 700 CV, cho hay: “Hiện giờ tôi vẫn khai thác cá ngừ đại dương theo phương pháp cũ - câu tay kết hợp ánh sáng. Nhưng về khâu xử lý, bảo quản cá thì tôi áp dụng theo quy trình Nhật Bản. Nhờ đó, sản phẩm đạt chất lượng tốt, thu nhập tăng cao hơn, mỗi phần “bạn” bình quân kiếm được 10 - 15 triệu đồng/người/chuyến biển”.
Tiến sĩ Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) phân tích: Những tàu khai thác cá ngừ đại dương theo kỹ thuật câu truyền thống nhưng có áp dụng công nghệ Nhật Bản sử dụng máy thu câu MSW-1DR130 trong quá trình kéo câu với 9 chế độ hoạt động nhanh, chậm khi thu - giữ dây câu theo kiểu “mềm nắn, rắn buông”, máy sẽ tự động xả dây câu khi lực kéo của cá cắn câu lớn và tự thu dây câu khi cá yếu dần. Sự hỗ trợ của máy thu câu sẽ giảm mức độ tích tụ của axit lactic, sự phân giải glycogen, chống hiện tượng thịt cá cháy khi tăng thân nhiệt. Nếu kết hợp với máy tạo xung Tuna Shocker sử dụng nguồn điện một chiều 24V và được kích dòng có công suất đầu ra 1.500W làm cho cá bị ngất, không vùng vẫy khi đưa từ mặt nước lên khoang tàu, giúp giảm thiểu sự biến đổi chất lượng thịt cá trong quá trình khai thác. Sau khi cá được đưa lên tàu, ngư dân sẽ tiến hành nhanh chóng các bước chọc xả tiết, chọc não, chọc tủy, cắt mang, loại bỏ nội tạng và rửa sạch cá rồi đưa vào hầm ngâm lạnh vài giờ để cá hạ thân nhiệt, sau đó đưa vào hầm đá lạnh để bảo quản.
“Ứng dụng quy trình của Nhật Bản đã giúp sản phẩm cá ngừ đại dương của Bình Định bước đầu tạo được uy tín tại thị trường Sakai (Nhật Bản), mở ra một hướng đi mới cho cá ngừ Bình Định. Hiện, chuỗi liên kết sản xuất giữa ngư dân và DN trong chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương cũng được hình thành và nhân rộng. Tháng 6.2018, nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định” đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp và chính thức đưa vào sử dụng, hy vọng rằng sản phẩm cá ngừ đại dương Bình Định chất lượng cao sẽ đến với thị trường các nước trên thế giới, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tăng thu nhập cho ngư dân trong tỉnh trong thời gian tới”, tiến sĩ Trần Văn Vinh chia sẻ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN