“Tục huyền” và “tái giá”
Không ít người nghĩ rằng từ “tái giá” có nghĩa là “lấy chồng, lấy vợ lần nữa”, do đó, dẫn đến việc dùng từ này cho nghĩa “lấy vợ lại”, như trong cách dùng “ông ấy vừa tái giá”. Đây là một sự nhầm lẫn bởi “tái giá” chỉ mang nghĩa “lấy chồng lại”, còn nghĩa “lấy vợ lại” thuộc về một từ khác: “tục huyền”.
Cả “tái giá” lẫn “tục huyền” đều là những từ Việt gốc Hán và mang hàm nghĩa sâu xa bắt nguồn từ văn hóa của người Hán.
Trong từ “tái giá”, “tái” có nghĩa là “lại, lần nữa” (như trong tái bản, tái chế); “giá” thuộc bộ “nữ” (liên quan đến giới nữ), có nghĩa “lấy chồng” (như giá thú, xuất giá). Như vậy, rất rõ ràng, “tái giá” là “lấy chồng lại”.
Trong từ “tục huyền”, “tục” thuộc bộ “mịch” (sợi tơ), mang nghĩa gốc “nối liền”, rồi phái sinh các nghĩa “tiếp tục, tiếp nối, nối dõi” (như trong tục bản, tục biên, liên tục, kế tục). Còn “huyền” là “dây đàn”, rồi mở rộng nghĩa chỉ các loại “nhạc khí có dây”. Như vậy, “tục huyền” có nghĩa “nối lại dây đàn”. Trong văn hóa Hán, vợ chồng được ví với đàn cầm, đàn sắt (cho nên mới có ví von “duyên cầm sắt” - duyên vợ chồng). Do đó, khi người vợ qua đời, người ta gọi bằng cách ví von “đoạn huyền” (đứt dây đàn), khi lấy vợ lần nữa, người ta ví von là “tục huyền” (nối lại dây đàn).
Việc nhầm lẫn như trên vừa nói có lẽ bắt nguồn từ chỗ “tục huyền” là một từ cũ và xa lạ với tâm thức, văn hóa người Việt. Ngay cả “tái giá”, “tái hôn” là những từ gốc Hán mà không phải ai cũng rõ nghĩa.
Gần đây, người ta dùng “tái hôn” để chỉ chung cho việc “lấy chồng, lấy vợ lần nữa”. Về mặt ngữ nghĩa, cách dùng này phù hợp vì “hôn” có nghĩa là “cưới, lễ cưới” và tái hôn có thể hiểu là “cưới lại lần nữa”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ này chưa được ghi nhận phổ biến.
Trong tiếng Việt, để chỉ việc “lấy vợ, lấy chồng lần nữa”, ta có cách dùng rất giàu hình ảnh “đi bước nữa”. Cá nhân chúng tôi thấy cách dùng cụm từ thuần Việt này thay cho những từ gốc Hán kể trên là nên làm.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ