Các làng đồng bào dân tộc thiểu số: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Những năm gần đây, các cấp ủy đảng, chính quyền đã đầu tư kinh phí, tổ chức nhiều hoạt động; các ngành, hội, đoàn thể tích cực tham gia tuyên truyền, vận động xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Trung ương đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Kết quả kiểm tra cho thấy tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt 6 nhiệm vụ quan trọng nêu trong Nghị quyết 33-NQ/TW, trong đó có nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Góp phần vào thành công của nhiệm vụ này là những chuyển biến tích cực ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Hiện tỉnh ta có 111 nhà rông, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các làng đồng bào Bana, Chăm H’roi, H’re được đầu tư từ nhiều nguồn vốn. Các cấp, ngành cũng đã quan tâm phối hợp biên soạn sách dạy và học tiếng Chăm H’roi, Bana, H’re. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tích cực hưởng ứng, đạt hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, với khá nhiều làng văn hóa điển hình, được tuyên dương cấp huyện và tỉnh.
Các nghệ nhân người Chăm H’roi huyện Vân Canh tham gia Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XV - 2019.
Nhằm khuyến khích bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh được tổ chức định kỳ 2 năm, đồng thời một số huyện, xã cũng quan tâm tổ chức ngày hội giao lưu cho đồng bào ở địa phương. Nghệ nhân ưu tú Đinh Y Băng (75 tuổi, làng M3, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) chia sẻ: “Chỉ trong dịp Ngày hội của tỉnh, mới có điều kiện trình diễn, giới thiệu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào Bana, Chăm H’rồi, H’rẻ, góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ, trang phục truyền thống... Ngoài sự ủng hộ nhiệt tình của lớp nghệ nhân cao tuổi như chúng tôi, các địa phương còn huy động được lực lượng trẻ tham gia để các cháu thêm hiểu biết, bồi đắp ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
“Làng mình có 56 hộ người Ba na, đời sống còn khó khăn nhưng bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn tốt, góp phần quan trọng để xây dựng làng văn hóa, được huyện công nhận, khen thưởng. Các hộ đều ý thức giữ gìn trang phục thổ cẩm, nhạc cụ, lễ hội truyền thống. Ðược tỉnh quan tâm tặng cho một bộ cồng chiêng mới, dân làng phấn khởi cùng đóng góp mua thêm một bộ nữa vào đầu năm nay. Không khí trong làng càng vui vẻ, rộn ràng tiếng cồng chiêng hơn trong các dịp lễ, tết, sinh hoạt văn hóa cộng đồng”.
Ông La O Tiến, Trưởng làng Kà Bưng, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh
Công tác nghiên cứu, giới thiệu văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị về văn hóa làng người Bana K’riêm, văn hóa cổ truyền người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, văn hóa làng người H’re… đã được hoàn thành. Cùng đó, nhiều lễ hội, nghi thức truyền thống đã được kiểm kê nhằm đề ra những giải pháp bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể ở miền núi, như: đám cưới cổ truyền của người H’re ở xã An Vinh, sinh hoạt âm nhạc dân gian của người H’re ở xã An Trung (huyện An Lão); lễ ăn trâu tạ ơn của người Bana K’riêm làng Kon Tơlok, xã Vĩnh Thịnh, đám cưới cổ truyền của người Bana K’riêm, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh); lễ đổ đầu và lễ cầu mưa của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh... Một số hội viên Chi hội Nghệ sĩ múa Bình Định đã tìm tòi, khai thác những nét đặc trưng, đặc sắc trong văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, dàn dựng những tác phẩm múa có chất lượng nghệ thuật...
Trước nguy cơ mai một di sản cồng chiêng, một số nhóm sinh hoạt, CLB cồng chiêng đã được tổ chức, việc truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh thiếu niên đã được tiến hành ở một số địa phương, Trường Dân tộc nội trú trong tỉnh. Đặc biệt, Sở VH&TT phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh trao tặng 119 bộ cồng chiêng cho 119 làng, với tổng kinh phí gần 4,5 tỉ đồng, tạo sự phấn chấn tinh thần và khuyến khích bảo tồn cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói tỉnh Bình Định đã có những bước đi vững chắc, đúng hướng trong “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Để tạo điểm nhấn, ấn tượng nổi bật hơn nữa, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo chọn những nét điển hình, đặc sắc nhất, là thế mạnh riêng xây dựng thành những nội dung, nhiệm vụ, tập trung thực hiện trong thời gian tới.
HOÀI THU