Tiêu cực xã hội làm cử tri lo lắng
Ðợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV của Ðoàn ÐBQH tỉnh (từ ngày 22.4 - 15.5) ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết trước những vấn đề lớn của đất nước.
Nỗi lo về gian lận điểm thi
Vụ gian lận điểm thi “rúng động” ở các tỉnh phía Bắc là nội dung được cử tri đề cập ở hầu hết các cuộc tiếp xúc. Từ thành thị, miền biển đến vùng núi, người dân đều có điều kiện tiếp cận thông tin cụ thể, chi tiết. Cử tri Lương Trọng Lượng (làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) cho rằng, quá trình xử lý vụ việc đến nay vẫn chưa nghiêm, chưa làm cho người dân thấy yên tâm. Cùng mối lo, cử tri Bùi Ngọc Dung (thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) bày tỏ: “Những thí sinh được nâng điểm nếu không bị phát hiện sẽ “leo cao” trong bộ máy công quyền, thật sự rất nguy hiểm. Cơ hội được học tập của con cháu chúng tôi cũng bị ảnh hưởng trực tiếp”.
Cử tri Bùi Ngọc Dung (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) chia sẻ lo lắng về hậu quả của vụ nâng điểm thi ở các tỉnh phía Bắc.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn khẳng định, đây là vụ việc thật sự nghiêm trọng, và hành vi nâng điểm không chỉ diễn ra trong kỳ thi năm 2018. Đến nay, những người trực tiếp tham gia vụ việc đã bị khởi tố. “Lên án những trường hợp liên quan là đúng rồi, song xử lý hình sự thì phải có chứng cứ rõ ràng, các cơ quan chức năng đang tiến hành. Quan trọng nhất bây giờ là thay đổi hình thức tổ chức thi thế nào để đảm bảo nghiêm minh”, ông Toàn phân tích.
“Ðiểm đáng chú ý trong các đợt tiếp xúc cử tri gần đây là các thành viên của Ðoàn ÐBQH tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền pháp luật; có những thắc mắc của người dân xuất phát từ việc không nắm được các quy định của pháp luật, khi được giải thích cặn kẽ thì họ đồng tình ngay. Các ÐBQH là lãnh đạo tỉnh đã xử lý và chỉ đạo xử lý tốt, tháo gỡ kịp thời nhiều vấn đề tại địa phương”.
Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh
Bên cạnh thi cử, nhiều chủ đề “nóng” khác cũng được cử tri rất quan tâm và yêu cầu các cơ quan chức năng khắc phục tồn tại, hạn chế. Cụ thể, cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm ma túy, trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm này cũng như các vụ án giết người liên quan đến ma túy trong những tháng đầu của năm 2019. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thực hiện theo tiến độ, nhưng cần đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động, nhất là ở cấp cơ sở...
Cần hài hòa lợi ích
Cùng với những vấn đề lớn của đất nước, cử tri cũng bày tỏ nhiều nỗi lo trong cuộc sống thực tế tại địa phương. Đó là tình trạng tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia, gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ mất ATGT, nhất là trên tuyến QL 19C đi qua địa bàn huyện Vân Canh, các tuyến đường nông thôn…
Đặc biệt, tình trạng thiếu nước sạch trong mùa nắng nóng là nỗi bức xúc của rất nhiều người dân khu vực nông thôn, miền núi. Tại xã Canh Thuận, phổ biến tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở hạ nguồn của hệ thống nước sạch tự chảy. Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Nguyễn Bá Đẩu chỉ ra rằng, nguyên nhân chính là dùng miễn phí làm nảy sinh tình trạng lãng phí nước sạch. Người ở đầu nguồn dùng nước sạch để trồng rau trồng lúa, trong khi ở hạ nguồn không có nước uống. “Phải bắt đồng hồ nước, thu tiền để đảm bảo công bằng về lợi ích cho mọi người; lại có kinh phí để sửa chữa hư hỏng nhỏ”, ông Đẩu nói.
Về đề xuất nâng điểm ưu tiên cho học sinh người dân tộc thiểu số để tạo thêm cơ hội học đại học, có việc làm, ĐBQH Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN, đã có lý giải thấu đáo: Đến nay, khoảng cách của trình độ giáo dục ở đồng bằng và miền núi không còn nhiều, giảm điểm ưu tiên cho học sinh miền núi là quan điểm đúng. Đây cũng là việc làm cần thiết để tránh hiện tượng lạm dụng chính sách, học sinh đồng bằng “chạy” hộ khẩu miền núi để tìm suất học cử tuyển.
“Song, sâu xa hơn là hài hòa lợi ích. Một học sinh học lực không tốt, được ưu tiên cho đi học bác sĩ rồi về miền núi công tác, tay nghề kém thì bà con ở đây chẳng phải lại chịu thiệt thòi sao?”, ông Nhường phân tích.
MAI LÂM