Ðưa bài chòi đến với sinh viên
Tối 26.10, hội trường B của Trường ÐH Quy Nhơn rộn rã tiếng trống, tiếng đờn, tiếng hô bài chòi. Các bạn trẻ cùng ngồi thật lâu để thưởng thức hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Ðịnh (do Hội VH-NT phối hợp với Trường tổ chức) được tái hiện sinh động, cùng những lời giới thiệu đầy đủ, cụ thể về loại hình nghệ thuật này.
1. Không có điều kiện dựng lại các chòi tre theo đúng nguyên mẫu, nên các sinh viên chỉ được ngồi trên ghế để chơi, song ai cũng háo hức vì lần đầu tiên được tham gia vào trò chơi dân gian độc đáo. Qua sự dẫn dắt sinh động, lôi cuốn của các hiệu Minh Đức, Hoàng Việt, Minh Tuấn, người chơi chăm chú theo dõi hô những câu thai bài chòi. Mỗi khi có “chòi ghế” nào trúng một con bài, bạn sinh viên ngồi phía trên sân khấu sung sướng gõ mõ báo hiệu, các bạn trẻ phía dưới hào hứng vỗ tay tán thưởng. Và kết thúc mỗi ván chơi, người thắng cuộc phấn khởi trước những lời hát bài chòi cổ chúc tụng ý nghĩa của các anh hiệu, uống cạn ly rượu bàu đá “lộc thưởng”.
Bạn Nguyễn Thị Hương - sinh viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn - cho biết: “Tôi rất thích tìm hiểu về các loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian. Cũng biết bài chòi cổ Bình Định, nhưng đây là lần đầu tiên tôi theo dõi hội đánh bài chòi ngay trên sân khấu trường mình. Tôi cảm nhận được sự hấp dẫn của trò chơi dân gian này qua những câu thai bài chòi dí dỏm nhưng sâu sắc, tạo sự tương tác hiệu quả giữa anh hiệu với người chơi”.
Trong buổi giới thiệu, các sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn đã được ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, trình bày, phân tích về nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định. Chương trình giới thiệu thêm phần sinh động với biểu diễn minh họa tiết mục bài chòi “Cúc Hoa trông chồng”, trích đoạn “Phá bảng chiêu phu” trong tuồng bài chòi cổ “Tam Hạ Nam Đường” do nghệ nhân Nguyễn Thị Đức và Phạm Hoàng Việt biểu diễn.
2. Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, cho biết: “Chỉ có gần hai tiếng đồng hồ để giới thiệu một loại hình nghệ thuật độc đáo của Bình Định nên chúng tôi phải chọn lọc những nét cơ bản, đặc sắc nhất để các bạn sinh viên có thể phần nào cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định”.
Ngoài chăm chú lắng nghe giới thiệu, nhiều sinh viên của Trường ĐH Quy Nhơn còn cẩn thận ghi chép thông tin. “Đây là hoạt động ngoại khóa thiết thực giúp các em tìm hiểu về bản sắc văn hóa truyền thống của Bình Định. Sau buổi giới thiệu này, mỗi sinh viên khoa Ngữ văn còn viết cảm nhận về nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định”, thạc sĩ Trần Xuân Toàn, Phó trưởng khoa Ngữ văn cho biết.
Từ thành công của buổi giới thiệu về nghệ thuật bài chòi dân gian tại Trường ĐH Quy Nhơn, Hội VH-NT tỉnh cần phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch giới thiệu nghệ thuật bài chòi trong trường học. Ông Phạm Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH-TT TP Quy Nhơn, đề xuất: “Giới thiệu bài chòi trong trường học là một cách để góp phần quảng bá; cũng nên tính đến việc dành thêm thời gian để các bạn sinh viên cùng tham gia tìm hiểu, sưu tầm, hay sáng tác mới các câu thai theo thể thơ lục bát cho hội đánh bài chòi cổ dân gian. Đây là cách để đưa bài chòi cổ dân gian Bình Định đến gần hơn với bạn trẻ”.
HOÀI THU