Phòng ngừa bệnh hen phế quản
Hen phế quản còn được gọi là bệnh mãn tính của phế quản. Hen là một bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được và người bệnh có cuộc sống bình thường nếu được điều trị, dự phòng tốt.
TS. Võ Bảo Dũng - Phó Giám đốc, BVĐK tỉnh cho biết: “Những triệu chứng điển hình của bệnh là ho, khò khè, nặng và tức ngực, thở ngắn hơi, tuy nhiên, nhiều người bệnh không chú ý dự phòng, đợi lên cơn hen cấp tính mới nhập viện cấp cứu. Người bệnh cần được chữa trị sớm và đúng cách. Tránh tự chữa bằng thuốc cắt cơn hen tức thời có giá rẻ, cắt cơn hiệu quả nhưng lạm dụng sẽ ảnh hưởng tới thần kinh, dùng lâu ngày sẽ dẫn đến mất hiệu quả tác dụng của thuốc gây khó khăn trong việc cấp cứu, điều trị”.
Để giảm tần suất xuất hiện các cơn khó thở, ngoài việc dùng thuốc, việc kiểm soát, dự phòng hen là rất cần thiết. Người bệnh phải tránh xa các dị nguyên có thể gây khởi phát cơn như: phấn hoa, lông súc vật, bụi nhà, nấm mốc, khói thuốc, tránh dùng các thức ăn hoặc thuốc gây dị ứng, phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp… Tránh các yếu tố nguy cơ gây cơn khó thở và gây bệnh hen suyễn. Khi đi ra ngoài, cần phải có biện pháp đối phó với bụi ô nhiễm như mang khẩu trang để tránh hít phải khói, bụi và các mùi khó chịu. Tiêm phòng vắc-xin cúm giúp bảo vệ chống lại virut cúm. Cơ địa đang mắc hen suyễn, nếu bị cúm, có thể làm khởi phát đợt cấp hen suyễn và làm cho các triệu chứng hen suyễn nặng hơn.
Người mắc bệnh nên tập thể dục giúp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cơ thể giúp chức năng hô hấp làm việc tốt. Ăn uống đủ chất và uống đủ nước. Đồng thời tuân thủ đúng việc uống thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn. Nếu có các triệu chứng cảnh báo nguy cơ khó thở, cần tự xử trí ngay trong giai đoạn sớm theo hướng dẫn của bác sĩ đã tư vấn trước đó.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)