Quan tâm khám nghiệm hiện trường vụ án: Góp phần hạn chế oan sai
Thời gian qua, ngành kiểm sát luôn đề ra nhiều giải pháp trong hoạt động điều tra, đặc biệt quan tâm đến công tác khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi để góp phần hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi rất quan trọng trong quá trình giải quyết án hình sự. Đây là tiền đề để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi phải thật tỉ mỉ, thận trọng để thu thập đầy đủ dấu vết; đặc biệt là hiện trường những vụ giết người, TNGT, cháy nổ… Và vì vậy, quan hệ phối hợp giữa viện kiểm sát và cơ quan điều tra, giữa kiểm sát viên và điều tra viên trong khám nghiệm cũng rất quan trọng. Ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng phòng kiểm sát điều tra án trị an - an ninh - ma túy, Viện KSND tỉnh, cho biết trong quá trình khám nghiệm hiện trường, để đảm bảo tính chính xác buộc kiểm sát viên phải yêu cầu điều tra viên và những thành phần liên quan tiến hành khám nghiệm theo yêu cầu, nhất là việc thu thập dấu vết, vật chứng toàn diện, đầy đủ theo đúng quy định.
Công tác khám nghiệm hiện trường luôn đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là kiểm sát viên phải thực hiện tỉ mỉ và chính xác.
Để khám nghiệm hiện trường chính xác, các cơ quan tiến hành tố tụng phải nắm bắt thông tin vụ việc, kiểm tra xem hiện trường có bị xáo trộn hay không. Bởi theo ông Phước, một vụ giết người, cướp của hay xâm hại tình dục... những chi tiết tại hiện trường sẽ tạo điều kiện để định hướng điều tra. Muốn xác định đâu là hiện tượng, đâu là bản chất, đòi hỏi hội đồng khám nghiệm phải có kinh nghiệm để tránh sai sót. Ví dụ, đối với vụ trộm cắp tài sản thì cần phải thu thập dấu vân tay, dấu vết có cạy, lục hay không; đối với vụ TNGT cần quan tâm đến vết xước trên đường, vị trí ngã…; đối với vụ án giết người cần chú ý đến các vết máu bắn ra…
Tham gia khá nhiều vụ khám nghiệm hiện trường, kiểm sát viên Dương Văn Nhất, Viện KSND tỉnh, chia sẻ: “Khi tiếp nhận vụ việc, bất kể thời gian nào, chúng tôi đều phải có mặt tại hiện trường sớm nhất có thể. Đơn cử như vụ nổ đạn xảy ra tại địa bàn xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh. Khi đến hiện trường, mái ngói thì loang lổ, tường đầy rẫy các vết nứt, có thể sập bất kể lúc nào. Nhưng với quyết tâm không để thiếu sót trong thu gom vật chứng, chúng tôi đã tiến hành các trình tự theo đúng quy định pháp luật”.
Với trách nhiệm chính là khám nghiệm và kiểm sát hoạt động khám nghiệm nhằm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định; thời gian qua, kiểm sát viên 2 cấp luôn có mặt để trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm khi nhận được thông tin từ cơ quan điều tra. Trong năm 2018, toàn ngành kiểm sát đã kiểm sát 660 cuộc khám nghiệm hiện trường và 147 lượt khám nghiệm tử thi. Trong đó, các vụ khám nghiệm hiện trường có người chết đã được kiểm sát 100%. Riêng từ đầu năm đến nay, đã kiểm sát 347 cuộc khám nghiệm hiện trường và 86 lượt khám nghiệm tử thi.
Thời gian qua, ngành kiểm sát đã kiểm sát tốt tỉ lệ án hình sự bị hủy, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung chiếm tỉ lệ thấp (dưới 3%). Thượng tá Nguyễn Văn Sử, Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (CA tỉnh), nhìn nhận: “Tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp với quy mô, tính chất ngày một tinh vi, đòi hỏi đội ngũ điều tra viên phải nỗ lực trau dồi nghiệp vụ để cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng khác nghiên cứu kỹ vụ việc ngay từ đầu, nhất là đánh giá chứng cứ, hiện trường chính xác và tìm được tiếng nói chung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Có như vậy thì vụ việc mới được đảm bảo điều tra chính xác từ đầu”.
Đồng quan điểm, ông Phước cũng cho rằng, để không xảy ra thiếu sót do chủ quan, yêu cầu kiểm sát viên, lãnh đạo phòng, viện (đối với vụ việc phức tạp) phải có mặt ngay từ đầu đến khi kết thúc việc khám nghiệm, nhằm thực hiện trọn vẹn chức trách thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường.
KIỀU ANH