Lối mưu sinh của người khiếm thị
Bước ra khỏi vùng tối
Năm 2010, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (32 tuổi, ở thôn Trung Tín, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) đang mang thai đứa con đầu. Cùng thời điểm này, chị mắc bệnh glôcôm. Vì đảm bảo an toàn cho con, chị Tâm từ chối mọi điều trị. Trước khi con chào đời, chị Tâm đã không nhìn thấy gì nữa.
Nghề massage đã thay đổi cuộc sống của chị Tâm.
- Trong ảnh: Chị Tâm đang massage cho khách.
Ánh sáng biến mất, chị Tâm chỉ dựa vào mẹ để nuôi con nhỏ. Khoảng một năm sau, người chồng không còn lui tới nhà mẹ đẻ để thăm chị, thăm con. Người mẹ trẻ ngẫm ra được nhiều thứ. Chị kể: “Khi không còn đôi mắt, không còn phụ thuộc vào yếu tố bề ngoài, tôi lại thấy mình nhìn rõ hơn mọi thứ. Nuôi con trở thành mục tiêu duy nhất. Cha tôi mất sớm, má kiếm tiền nuôi tôi bằng nghề thu mua phế liệu. Tôi nghỉ học từ năm lớp 10 để đi làm công nhân gỗ. Không thể quay lại với công việc cũ, tôi nhận gói bánh phục linh, bánh hột sen cho cô thợ gần nhà. Rồi tôi học đan dây chổi lông gà, làm từ 5 giờ sáng đến 8 giờ đêm, thu về chưa tới 20.000 đồng/ngày nhưng vẫn phải cố để phụ thêm cho má. Phải đến năm 2013, khi được Hội Người mù tỉnh cử đi học lớp massage do Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa mở, mọi thứ mới tươi sáng hơn”.
Sau 3 tháng học tập, rèn luyện, chị Tâm trở về quê, làm việc tại các cơ sở massage ở TP Quy Nhơn. Thu nhập bình quân của chị Tâm khoảng 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này được dùng để nuôi đứa con đang học lớp hai, phụ mẹ chị chăm lo việc nhà.
Đã 5 năm làm nghề massage tại cơ sở của người mù ở TP Quy Nhơn, anh Hồ Mạnh Nhân (28 tuổi, ở thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) vui mừng khi kể về việc phụ giúp ba má sửa lại nhà trước khi anh trai cưới vợ. Là hội viên được đào tạo nghề ngay tại tỉnh từ lớp dạy nghề massage do Hội Người mù tỉnh tổ chức (kinh phí hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH), anh Nhân nỗ lực trau dồi kỹ năng. Với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, anh Nhân đã làm cha mẹ già vơi bớt nỗi lo về người con trai khiếm thị.
Đã có lúc chị Nguyễn Thị Diễm (30 tuổi, quê ở xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) tin rằng mình là người bất hạnh nhất thế gian. Cha mẹ chị ly hôn khi chị còn rất nhỏ. Tuổi thơ chị nhọc nhằn, thiếu thốn, chỉ có bà nội và người cô bị khiếm thính là chỗ dựa tinh thần. Chị từng nghĩ rằng, người như mình thì chẳng có thể làm được việc gì để tự nuôi sống bản thân. Năm 2013, khi nghe mọi người nói về nghề massage, chị thay đổi suy nghĩ. Chị muốn thử sức với nghề này để tìm ra hy vọng cho mình.
“Sau khi học nghề massage tại tỉnh Khánh Hòa, tôi quyết định ở lại đây tìm việc. Cuộc sống có nhiều điều bất ngờ. Tôi tình cờ gặp chồng tôi, cũng là người khiếm thị (quê ở huyện Hoài Nhơn) ngay tại TP Nha Trang. Chúng tôi kết hôn và hiện đã có một đứa con 10 tháng tuổi. Khó khăn vẫn ở đó khi việc nuôi con, chăm con chẳng dễ dàng chút nào với người khiếm thị. Nhưng ở thời điểm này, tôi dám làm và đang làm hết sức mình để mọi việc tốt nhất trong khả năng của một người mù”, chị Diễm tâm sự.
Anh Nhân (bìa phải) trao đổi về kỹ năng làm việc với các đồng nghiệp trong lúc rảnh rỗi.
Nghề mũi nhọn
Chị Tâm, chị Diễm, anh Nhân đã bước ra khỏi vùng tối của số phận bằng chính nghị lực của mình. Họ mạnh mẽ, lạc quan hơn khi tìm thấy công việc, vị trí của mình trong xã hội. Chị Phạm Thu Hương (37 tuổi, khách du lịch đến từ tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Mỗi lần xuống Quy Nhơn du lịch, tôi thường tìm đến massage tại chỗ người khiếm thị. Lúc trước, tôi cứ nghĩ họ không thấy đường sao massage cho mình. Nhưng rồi, không chỉ làm thợ massage tốt, tôi còn thấy họ sinh hoạt, đi lại như người sáng mắt”.
Theo thống kê của Hội Người mù tỉnh, toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở massage do người mù làm chủ và có kỹ thuật viên là người mù. Hơn 100 người mù đã được cử đi học trong và ngoài tỉnh, được cấp chứng chỉ từ các đơn vị đào tạo uy tín. Tất cả người khiếm thị tham gia học nghề đều được miễn chi phí học tập, chi phí ăn, ở.
Ông Huỳnh Bá Tuyết, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Nghề massage là một nghề mũi nhọn của cộng đồng người khiếm thị. Xác định mục tiêu này, ngay từ khi vừa thành lập Hội Người mù tỉnh (ngày 15.5.2009), ngày 17.5.2009, Hội đã đưa 5 người khiếm thị đầu tiên trong tỉnh đi học nghề tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo đà cho các lớp học sau này. Cuộc sống của cộng đồng người mù trong tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào nghề massage”.
NGUYỄN MUỘI