Thắp sáng tình yêu cồng chiêng
Chương trình Hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số đã mang đến cho người dân huyện An Lão những ngày vui náo nức khi nhiều bộ cồng chiêng mới đã về đến thôn, làng, được đích thân các vị lãnh đạo tỉnh trao tận tay cho bà con với nhiều lời cầu chúc tốt đẹp.
Người dân An Lão đãi khách bằng tiếng cồng chiêng.
Trong các ngày 8 - 10.5, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp UBND huyện tổ chức bàn giao 40 bộ cồng chiêng cho 9 xã, thị trấn đồng bào dân tộc thiểu số huyện An Lão (trừ xã An Hòa, xã chỉ có người Kinh sinh sống). Theo đoàn hỗ trợ cồng chiêng đến thăm nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 1, xã An Trung, huyện An Lão vào tầm gần trưa, đúng lúc mất điện, cái nóng oi nồng cũng không ngăn được đồng bào H’re sinh hoạt, luyện tập cồng chiêng. Ngày trước, việc bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng còn nhiều khó khăn do một số người nhận thức kém đã đem cồng, chiêng đi bán hoặc sử dụng làm vật dụng sinh hoạt. Việc truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng khó khăn vì lứa trẻ không mặn mà. Việc Đảng - Nhà nước chẳng những đã tặng cồng chiêng mà còn cử cán bộ trao cồng chiêng tận tay khiến nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số trong tỉnh hết sức cảm kích. Việc trao tận tay không những khích lệ tinh thần của những người cao tuổi mà còn khiến nhiều thanh niên thay đổi nhận thức về bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
“Tôi rất mong tỉnh tổ chức lớp đào tạo về kỹ năng chỉnh sửa cồng chiêng để nghệ nhân được tham gia, có nghề. Bởi vì khi sử dụng lâu ngày, âm tiếng, điệu thức của cồng chiêng sẽ dần lệch đi, mình phải biết để còn tự chỉnh sửa!”
Chị Đinh Thị The (38 tuổi, ở xã An Trung) đang luyện tập cho các cô gái trẻ múa xoang chia sẻ: Đàn ông ở đây ai cũng biết đánh cồng chiêng, phụ nữ thì tập múa xoang từ hồi thiếu nữ. Nay Nhà nước tặng thêm cồng chiêng, mọi người sẽ sinh hoạt nhiều hơn, không chỉ là cơ hội để thu hút nam thanh niên đến luyện tập cồng chiêng mà bọn con gái cũng có điều kiện để nghe cồng chiêng luyện tập múa xoang. Tôi nghĩ người lớn phải gương mẫu, nhắc nhở người trẻ vì chúng rất dễ xao nhãng, thích xem những thứ trên điện thoại di động hơn.
Việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng dân tộc thiểu số vốn đã được huyện An Lão quan tâm. Nay với việc được tỉnh trao tặng cồng chiêng, một không khí mới đang tỏa lan trên khắp nhiều bản làng, đặc biệt là những người già, người trung niên đang hy vọng nhờ tỉnh động viên mà tiếng cồng chiêng sẽ lại vang khắp núi rừng.
Lần này Ban Dân tộc tỉnh đã trao 40 bộ cồng chiêng ở 9 xã, thị trấn, trong đó có 34 bộ cho đồng bào H’re và 6 bộ cho đồng bào Bana. Để việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số nói chung, văn hóa cồng chiêng nói riêng đạt hiệu quả thiết thực, huyện sẽ lập kế hoạch thành lập các CLB cồng chiêng để thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau. Sau đó, 2 năm hoặc 5 năm 1 lần huyện sẽ tổ chức liên hoan cồng chiêng cho các địa phương. “Có các cuộc thi, liên hoan tranh tài như thế, người già sẽ thêm nhiệt huyết truyền dạy, phổ biến cho người trẻ; thanh niên các địa phương mới hăng hái luyện tập, thi đua, tranh tài với nhau” - ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết.
Có lẽ vui mừng nhất là đội ngũ nghệ nhân, người có uy tín của thôn, làng vì sau bao nhiêu trăn trở, giờ đây chính họ là người tận tay nghiệm thu từng bộ cồng chiêng cho đồng bào mình. Trong nỗi vui mừng đó, nghệ nhân Đinh Xuân Hải (xã An Trung) chia sẻ: “Có được bộ cồng chiêng của riêng làng bản mình rồi, việc sinh hoạt cồng chiêng trong cộng đồng cũng sẽ đều đặn hơn, chúng tôi sẽ tập trung truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tôi cũng mong thế hệ trẻ hãy biết bảo quản, giữ gìn cồng chiêng để sử dụng lâu dài vì cồng chiêng là hồn cốt của dân tộc mình. Nếu được, tôi rất mong tỉnh tổ chức lớp đào tạo về kỹ năng chỉnh sửa cồng chiêng để nghệ nhân được tham gia, có nghề. Bởi vì khi sử dụng lâu ngày, âm tiếng, điệu thức của cồng chiêng sẽ dần lệch đi, mình phải biết để còn tự chỉnh sửa!”.
Trong niềm hân hoan được nhận cồng chiêng, đồng bào ở An Lão nối tiếp nhau đãi khách bằng tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang. Trời về chiều, người dân nơi đây còn nán lại cười nói với nhau, lắng nghe tiếng cồng chiêng mới và tính chuyện dạy người trẻ sau này. Cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng mới, các giá, các mí được dịp cùng các bok hòa tấu điệu ngân vang; không khí xum vầy, ấm áp ở các bản làng lại có dịp vọng lên đến những tầng trời, lan tỏa đến cả những cánh rừng xa.
Cồng chiêng bắt mạch, bám rễ vào đời sống của mỗi người, giúp cộng đồng người Bana, H’re đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, cùng nhau chia sẻ niềm vui, hạnh phúc. Vì những giá trị to lớn, văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Vì vậy, tôi mong UBND huyện, UBND xã xây dựng quy chế quản lý sử dụng cồng chiêng tránh làm hư hỏng; mỗi xã, thôn thành lập một đội cồng chiêng, tổ chức sinh hoạt thường xuyên, trong đó chú trọng động viên đào tạo lớp trẻ.
Ông TRẦN QUỐC LẠI, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh
THẢO KHUY