Tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên diễn biến phức tạp: Tăng cường kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng
Trước thực trạng TNGT liên quan đến thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ngành chức năng đang phối hợp với các công ty kinh doanh xe máy trên địa bàn tỉnh tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông kết hợp hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh, sinh viên.
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn thực tập kỹ năng giữ thăng bằng khi lái xe trên sân tập.
Thiếu kỹ năng
Luật quy định từ 16 tuổi trở lên, học sinh có thể điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối. Vậy nhưng, nhiều học sinh chỉ biết lái xe chứ không có kỹ năng xử lý những tình huống trên đường khi lái xe. Vụ TNGT xảy ra tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn là 1 ví dụ cụ thể. Ông Đ.V.M. đang đi bộ qua đường theo hướng Bắc - Nam, thì em V.N.T. điều khiển xe mô tô dưới 50 phân khối đi theo hướng Tây - Đông; do điều khiển xe không chú ý quan sát, khi đến km 33+800 QL 19, T. đã va chạm với ông M.. Học sinh T. cho biết, được người nhà dạy lái xe vài buổi là có thể đi được, chứ những kỹ năng khác thì T. không biết. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản, khởi động xe được thì chạy thôi, vắng người thì chạy nhanh hơn còn đông người thì hạ tay ga cho xe chạy chậm lại”, T. nói.
Trong tổng số 69 vụ TNGT xảy ra từ đầu năm 2019 đến nay, có đến 23 vụ liên quan đến đối tượng thanh thiếu niên. Các vụ tai nạn xảy ra hầu hết do ý thức chấp hành các quy định về giao thông của học sinh còn hạn chế và thiếu kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông.
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, Đội CSGT&TT, CA huyện Tây Sơn đang xử lý hành chính một trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối gây TNGT. Tuy chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc liên quan đến tính mạng, song đây cũng là bài học cho chính bản thân các em và gia đình. Bà Trần Thị Lệ Huyền (mẹ của 2 học sinh lái xe máy gây tai nạn ở xã Bình Nghi) phân trần: “Hôm đó xe điện của cháu hỏng, mà trời nắng quá, tôi lại bận công việc nên để 2 chị em tự chở nhau đi học. Tôi cũng đã dặn cháu đi cẩn thận, nhưng chuyện rủi ro đã xảy ra. Giờ thì, chúng tôi không dám giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển nữa”. Còn 2 nữ sinh điều khiển xe máy gây tai nạn cũng thừa nhận chưa hề học về kỹ năng lái xe, chỉ vài lần được gia đình hướng dẫn rồi chạy xe thôi nên đã không biết cách xử lý khi xảy ra tai nạn.
Được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 17.897 trường hợp vi phạm, tạm giữ 3.433 xe, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.159 trường hợp, phạt tiền gần 10 tỉ đồng. Trong đó, đối tượng thanh thiếu niên vi phạm chiếm đến 65% tổng số vụ với các lỗi chủ yếu như chạy quá tốc độ quy định; chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm và không chấp hành hiệu lệnh đèn.
Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng
Thời gian qua, lực lượng chức năng phối hợp với các công ty kinh doanh xe máy trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền kết hợp hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn. “Các em ở lứa tuổi này hầu hết biết lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3. Tuy nhiên, kỹ năng lái xe sao cho an toàn, đúng cách thì nhiều em vẫn chưa nắm bắt. Do đó, hiện tượng học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT diễn ra khá phổ biến”, thiếu tá Phan Đình Điểm, Đội trưởng Đội CSGT - CA TP Quy Nhơn, cho hay.
Đây cũng chính là lý do mà tại nhiều địa phương trong tỉnh, việc ra quân xử lý vi phạm đối với học sinh khi tham gia giao thông như điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy điện, xe đạp điện tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, luôn được lực lượng CSGT triển khai thường xuyên. Bên cạnh đó, ngành chức năng phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về luật giao thông, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh, thanh thiếu niên. Điều dễ thấy ở các buổi tập huấn, học sinh, sinh viên được hướng dẫn chi tiết kỹ năng lái xe an toàn như: Cách nhận biết, xử lý tình huống giao thông nguy hiểm, kỹ thuật cua, phanh khi gặp chướng ngại vật, các tư thế lái xe an toàn và kỹ năng giữ thăng bằng. Các em được trải nghiệm các tình huống giả định khi tham gia giao thông trên máy tập lái; giao lưu, chia sẻ những hiểu biết về ATGT và ý thức trách nhiệm của mình khi tham gia lưu thông trên đường. Học sinh Nguyễn Nhật Hào, 17 tuổi, lớp 10A2, Trường THPT Hùng Vương, bày tỏ: “Chương trình tập huấn kiến thức ATGT và kỹ năng lái xe an toàn giúp em hiểu, nắm bắt đầy đủ hơn về luật giao thông. Từ đó, em chủ động bảo vệ chính mình khi tham gia giao thông mỗi ngày, nhất là mỗi khi em lái xe đạp điện tới trường”.
Theo thiếu tá Phan Đình Điểm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT không còn những buổi nói chuyện khô cứng. Ngược lại, các đợt tuyên truyền đi vào chiều sâu, đúng nội dung, đúng đối tượng, gắn với các tiết mục, tiểu phẩm và sân chơi thực tế giúp học sinh, sinh viên trang bị thêm các kiến thức và kỹ năng. Qua đó, phát huy trách nhiệm, vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc tuyên truyền, giữ gìn trật tự ATGT góp phần giảm thiểu tai nạn và từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong ĐVTN.
TRỌNG LỢI - K.ANH