Bình Ðịnh - Champa tour
Từ thế kỷ XI - XV, Bình Ðịnh là kinh đô Vijaya của vương triều Champa. Dấu tích của nền văn hóa Champa rực rỡ ấy còn lại tới ngày nay ở vùng đất này, đáng kể nhất là hệ thống đền tháp, là di tích các lò gốm, các hiện vật phù điêu, điêu khắc.
Tháp Đôi - điểm đến trong Champa tour của du khách khi tới Bình Định. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Theo sách Hành trình văn hóa Champa của Inrajaka (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc), giai đoạn từ thế kỷ XI đến XV, vương quốc Champa được hình thành dựa trên sự liên minh của hai thị tộc lớn: thị tộc Dừa - định cư trên vùng đất nay là các tỉnh từ Quảng Nam vào đến Bình Định và thị tộc Cau - định cư trên vùng đất nay là các tỉnh từ Phú Yên vào đến Đồng Nai. Vào giai đoạn này, kinh đô của vương quốc có tên là Vijaya, tọa lạc ở vùng đất mà ngày nay thuộc về tỉnh Bình Định.
Suốt 500 năm, vương quốc có lúc thăng lúc trầm, nhưng văn hóa Champa luôn rực rỡ với sự ảnh hưởng bởi hai nền văn hóa lớn đương thời - Ấn Độ và Khmer. Dấu tích còn đến nay trên đất Bình Định chứng thực cho điều đó.
Tháp Bánh Ít, một trong những cụm tháp Chăm thu hút nhiều du khách. Ảnh: LÊ HỒ BẮC
Với những ai lần đầu tiên đặt chân tới Bình Định, khi nghĩ đến khái niệm Champa, ấn tượng liên tưởng tiếp theo gần như luôn là các công trình kiến trúc đền tháp. Trên đất Bình Định hiện còn 8 cụm tháp với 14 khối kiến trúc, gồm: cụm tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa), cụm tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, Tuy Phước), tháp Đôi (TP Quy Nhơn), cụm tháp Dương Long (xã Tây Bình), tháp Thủ Thiện (xã Bình Nghi, Tây Sơn), tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu), tháp Phú Lốc (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) và tháp Hòn Chuông (trên dãy núi Bà, Phù Cát - đây là ngôi tháp duy nhất không nằm trong bất cứ tài liệu khảo sát nào của các nhà nghiên cứu Pháp, những người vốn nghiên cứu, khảo tả, thống kê rất chi tiết về văn hóa Chăm, đặc biệt là các công trình kiến trúc đền tháp Champa. Nhưng họ chưa từng biết đến sự tồn tại của ngôi tháp này).
Qua nhiều lần sưu tầm, khai quật khảo cổ học từ các di tích, một phần hiện vật của thời kỳ Champa nay được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định (đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn). Tham quan thực tế kết hợp với lần theo các dấu tích trong sách “Gốm kiến trúc đền tháp Champa Bình Định” - tư liệu do Bảo tàng Bình Định biên soạn, du khách có thể xem 20 loại hình hiện vật gốm trang trí kiến trúc với 100 tiêu bản gồm gốm trang trí điểm góc, gốm hình lá trang trí, gốm trang trí đầu mái tháp, phù điêu gốm trang trí thân tháp...
Bức phù điêu thần Brahma (trái) và Nữ thần Mahishasuramardini được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định.
Đến Bảo tàng Bình Định, ngắm những hiện vật điêu khắc (phù điêu và tượng tròn) Champa bạn sẽ lặng người trước sức sáng tạo của những nghệ nhân Chăm vô danh. Bạn nên giữ lại cho mình tập ảnh “Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định” do Bảo tàng Bình Định biên soạn để có thể từ từ tận hưởng vẻ đẹp của các tiêu bản điêu khắc Champa Bình Định.
Để đi hết các di tích, các chỉ dẫn địa lý sau đây sẽ không giúp được bạn nhiều, nếu bạn chỉ có một vài ngày. Nhưng vẫn có cách để bạn có cái nhìn bao quát, gieo được trong ký ức những chỉ dấu vàng son về một nền văn hóa từng rực rỡ. Gợi ý đầu tiên cho bạn là nên lên tour theo lịch trình di chuyển. Nếu chỉ dừng lại ở TP Quy Nhơn, các điểm tham quan nên ghi nhớ là: Bảo tàng Bình Định - tháp Đôi (hay còn gọi là tháp Hưng Thạnh) - bờ thành cổ chạy dọc biển Nhơn Hải.
Nhưng nếu muốn có một Bình Định - Champa tour đặc sắc, nếu ruổi rong mời bạn hãy xuôi về nơi từng tọa lạc kinh thành Vijaya. Đầu tiên là bạn hãy về di tích thành Hoàng Đế - Vijaya, ở đây bạn sẽ được ngắm tháp Cánh Tiên, hay như các nhà nghiên cứu Pháp hay gọi là tháp Đồng - Tour de Cuivre. Điểm đặc biệt của tour này là bạn có thể đến thăm các di tích Champa khác trong cự ly rất ngắn như: thành Cha, lò gốm Trường Cửu (xã Nhơn Lộc), tháp Phú Lốc (xã Nhơn Thành, mà các nhà nghiên cứu Pháp quen gọi là tháp Vàng - Tour d’O).
Với không gian trưng bày hiện vật Champa khá đồ sộ, Bảo tàng Bình Định thu hút nhiều du khách. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Nếu có ý định rong ruổi chiêm ngưỡng các giọt tháp Chàm rơi từ trời xanh, thì một gợi ý nữa cho du khách là hãy kết nối tour tham quan tháp Bánh Ít (Tuy Phước, các nhà nghiên cứu Pháp quen gọi là tháp Bạc - Tour d’Argent), sau đó di chuyển theo trục QL 19 đến tháp Thủ Thiện, tháp Dương Long (Tây Sơn). Từ tháp Dương Long, di chuyển theo con đường xuống TX An Nhơn tới TX An Nhơn tham quan tháp Cánh Tiên (Nhơn Hậu), tháp Phú Lốc (xã Nhơn Thành)...
Champa tour trở thành điểm nhấn đặc sắc cho du lịch Bình Ðịnh nếu biết kết hợp khéo léo - nhận định của bà Lê Thị Thanh Trà, Phó trưởng khoa Du lịch (Trường CÐ Bình Ðịnh) khi nói về tiềm năng du lịch địa phương. Hiện nay, một số đơn vị lữ hành tại Bình Ðịnh đã có tour về các di tích đền tháp Champa, du khách có thể mua tour trực tiếp.
Nếu du khách đi một mình, nên chọn điểm đến đầu tiên là Bảo tàng Bình Ðịnh (vé tham quan Bảo tàng 10.000 đồng/người/lượt) rồi di chuyển tới tháp Ðôi sau đó đi dọc QL 1A để đến những điểm di tích muốn tham quan. Bạn có thể xây dựng lịch trình đi phù hợp sau khi tham vấn nhân viên Bảo tàng Bình Ðịnh.
THU DỊU