Mong an nhiên!
Trong một chuyến thiện nguyện tại BVĐK khu vực Bồng Sơn, tôi gặp một bà mẹ trẻ quê ở huyện Hoài Ân, với đứa con thơ có khuôn mặt khờ khạo vì hội chứng Down. Đứa bé chưa đầy một tuổi, lọt thỏm giữa vòng tay và lồng ngực ấm nóng của mẹ. Ngoại trừ khuôn mặt với những nét khác biệt so với trẻ bình thường, không gian quanh bé tràn ngập yêu thương, tự hào. Người mẹ nựng nịu, tưng tiu đứa con nhỏ, chẳng chút ngại ngần hay buồn tủi khi có người hỏi đến căn bệnh của con mình.
Chị kể: “Mình đặt tên con là An Nhiên. Lúc đầu là một cái tên khác, nhưng khi phát hiện bệnh của cháu, mình xin phép ông bà được đặt cái tên này. Ông bà cũng có chút suy nghĩ bởi chữ An trong tên của con trùng với tên ông cố nhưng rồi hiểu được tâm ý của người mẹ như mình, chung mong mỏi cuộc sống của cháu sau này sẽ bình an như tự nhiên vốn thế nên đồng ý. Từ lúc có An Nhiên, mình hiểu ra, chỉ cần con khỏe, con sống vui vẻ, hạnh phúc với mình là đủ”.
Mỗi người thường gửi gắm rất nhiều kỳ vọng lớn lao lên đứa con của mình. Không chỉ gửi gắm, nhiều bậc phụ huynh còn tạo cả sức ép vô hình lên trẻ vì nghĩ rằng như vậy “con mới nên người”. Mùa thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã thật gần, rất nhiều phụ huynh mong con mình đạt được điểm số cao nhất, đậu vào trường tốt nhất. Họ quên mất, ngay thời điểm chờ nghe tiếng khóc chào đời của con, tâm niệm duy nhất là mong con khỏe mạnh, trưởng thành và hạnh phúc.
Nếu đang trong những ngày đầy áp lực với con cái trong cuộc thi đang cận kề, mời các bà mẹ cùng đọc một bức thư nổi tiếng trên internet của một vị hiệu trưởng tại Singapore để cùng ngẫm: “Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con... Xin đừng nghĩ rằng chỉ có kỹ sư hay bác sĩ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này”.
AN PHƯƠNG