Tình mẹ
Tôi luôn tin, mỗi đứa trẻ đến với thế giới này đều là một món quà vô giá. Vậy nên, nếu có ai đó, vì một lý do nào đó mà đành chối bỏ đứa con của mình, thì cũng có những người sẵn lòng ôm ấp, cưu mang đứa trẻ. Nhân Ngày của mẹ (ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5), xin kể bạn đọc nghe về những người mẹ không chung huyết thống nhưng luôn quý trọng nhân duyên với mỗi đứa bé. Câu chuyện của họ là chuyện của trái tim.
Chị Loan đón Linh Đan và Huyền Đan trở về nhà sau giờ tan học.
“Không cho con đâu”
Gần 2 tháng kể từ lúc chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (44 tuổi, ở 172/11 đường Lê Lợi, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đón đứa bé sơ sinh vô tình bắt gặp trong đêm tối về nhà. “Lúc đó chừng 11 giờ đêm, tôi dọn xe xôi chiên để quay về nhà thì thấy một em bé khoảng 6, 7 tháng tuổi, nằm chơ vơ trên vỉa hè gần ngã tư đường Phan Bội Châu - Lê Lợi. Tôi trình báo CA phường, rồi mang bé về nhà chăm. Kỳ lạ, không chỉ mỗi tôi mà ai trong nhà cũng thấy thương đứa nhỏ. Chúng tôi gọi cháu là Mon”, chị Linh kể.
Chị Linh có 2 người con. Đứa út đã học lớp 6. Đứa lớn đã gả chồng, đang mang bầu. Vợ chồng chị đang sống chung với cha mẹ chồng và đều là lao động phổ thông. Cuộc sống vốn không dư dả. Chưa kể, mẹ chồng bị tai biến, nằm liệt một chỗ đã 3 năm liền, luôn cần người chăm sóc, lo từng miếng ăn, viên thuốc. Cả nhà tá túc trong căn nhà cũ, chỉ vỏn vẹn 30 m2. Cứ tưởng không gian nhỏ bé ấy không có chỗ cho Mon. Vậy mà, nơi này đã đón Mon, dành cho Mon những điều tốt đẹp nhất.
Lúc về nhà chị Linh, Mon chưa biết lật nhưng nay đã liên tục lật úp người. Ngày ấy, bé mới chỉ có một cái răng thì nay đã nhú thêm một răng nữa. Có người thương, trích sữa mẹ đến cho bé nhưng có vẻ không hợp, Mon đau bụng nên chị Linh quyết định cho bé uống sữa công thức hoàn toàn. Cả gia đình chị quay trở lại nhịp sống của thời có “con mọn”. Nào cháo, sữa, bỉm, tã... Nào là ru ngủ, bồng bế đi chơi, dỗ dành.
Biết chị Linh “nhặt” được con nhỏ, nhiều người ghé thăm, xin nhận con nuôi. Nhưng chị Linh không đồng ý cho. Chị tâm sự thật thà: “Chẳng may, gia đình mà khó khăn quá thì tôi cho người em họ đang hiếm muộn để còn trông thấy, tới lui thường xuyên. Chứ bây giờ, không cho con đâu. Tự nhiên thương lắm! Cứ nghĩ, bé đã bị bỏ rơi một lần rồi, giờ mình bỏ lần nữa, sao đành. Sắp tới, con gái tôi sinh, mẹ tôi ở Đắk Lắk đã xung phong nhận trông và chăm Mon trong lúc tôi nuôi con gái “nằm ổ”. Sau 3 tháng, tôi đón Mon về ngay”.
Ông Hồ Quang Tây, 87 tuổi, cha chồng chị Linh cười hiền khi được hỏi về đứa nhỏ vừa xuất hiện trong nhà mình, nói: “Cứ để đó nuôi. Nhà tôi còn nuôi được cháu. Có trẻ con thì ồn ào, vất vả chút nhưng thương lắm”.
Thanh Thảo kể chuyện ở lớp học với mẹ Đức.
Gắn bó mãi mãi
Làng trẻ em SOS Quy Nhơn hiện là nơi đùm bọc nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn. Từ thời điểm thành lập Làng đến nay, có 8 cháu bé như thế được tiếp nhận, nuôi dưỡng.
Ngô Thanh Thảo (8 tuổi) là em bé sơ sinh đầu tiên được Làng tiếp nhận. Mẹ của em hiện tại là chị Ngô Thị Đức (51 tuổi, quê ở phường Đập Đá, TX An Nhơn). Chị Đức chưa một lần sinh nở. Ngày mới vào làng, chị đón đứa bé sơ sinh đầu tiên từ tay của một người mẹ quê ở huyện Vân Canh vì lý do bệnh tật, kinh tế kiệt quệ mà gửi con vào làng. Hai mẹ con đã cùng trải qua chừng chục ngày trong khóc lóc, dỗ dành, mến tay mến chân. Nhưng, sau 10 ngày, người mẹ của bé quay lại đón bé vì quá nhớ con, chị Đức gửi con lại với gia đình mà lòng như mất mát bao nhiêu điều.
Bé Thảo xuất hiện ngay sau đó. Chị Đức xung phong nhận nuôi liền. Bé nhanh chóng lấp đầy khoảng hụt hẫng trong lòng chị. Dù được mẹ Đức hết mực yêu thương, trong thẳm sâu lòng mình, Thảo vẫn rất nhạy cảm khi được nhắc về gốc gác, họ hàng. Thảo thường xuyên giật mình lúc nửa đêm và chỉ ngủ trở lại khi ôm được mẹ. Khi thấy các anh chị em khác có người nhà đến thăm, Thảo lại líu ríu hỏi mẹ: Sao không có ai đến thăm con hết vậy mẹ? Nói nhỏ vào tai mẹ: Là mẹ đẻ con ra đúng không mẹ?...
“Sau này, khi tôi gặp một cô bé đang học ĐH Quy Nhơn, là trẻ mồ côi của Làng trẻ em SOS Nha Trang, tôi càng hiểu và thương Thảo. Cô bé đó từng kể: Con đã rất nhiều lần núp trong nhà tắm để khóc khi các anh chị khác có người nhà đến thăm mà con bao nhiêu năm không có một người đến thăm. Vậy nên, mỗi khi Thảo thắc mắc, tôi đều khẳng định: tôi là mẹ đẻ ra Thảo. Cậu Lộc, dì Mỹ (anh chị em của tôi) chính là dì, là cậu, là họ hàng của Thảo”, chị Đức kể thêm.
Linh Đan và Huyền Đan, 3 tuổi, cũng là cặp chị em sinh đôi sơ sinh bị bỏ rơi được Làng trẻ em SOS Quy Nhơn tiếp nhận. Cả hai cô bé đều đang học tại Trường mẫu giáo của Làng. Nuôi hai bé từ hồi chưa rụng rốn đến tận bây giờ, chị Trần Thị Thanh Loan (51 tuổi, quê ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) bảo: “Chưa sinh nở lần nào, một lúc 2 nách 2 con thơ, tôi cũng sợ lắm. Chăm chút cho con, thấy được mỗi một điểm thay đổi nhỏ của con, tôi đều mừng như ai cho mình vàng vậy. Người ta hay nói về huyết thống, nhưng tôi thì luôn tin khi mình yêu thương thật lòng, trái tim con đều cảm nhận được”.
NGUYỄN MUỘI