Xem - Nghe - Ðọc
* Bác Hồ trong trái tim người lính, là một bộ phim tài liệu do Trung tâm Hợp tác báo chí Truyền thông quốc tế, Bộ TT&TT thực hiện. Không phải ngẫu nhiên mà cái tên “anh bộ đội Cụ Hồ” được nhân dân dành tặng riêng cho những người chiến sĩ. Nó xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Hình tượng “Cụ Hồ” và “anh bộ đội” chính là biểu tượng cao đẹp trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Phim tài liệu “Bác Hồ trong trái tim người lính” sẽ giới thiệu với độc giả hình ảnh bình dị nhưng vô cùng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Link: https://www.youtube.com/watch?v=u_RGVjMlMbk
* Miền Nam nhớ mãi ơn Người. Chỉ khoảng 1 tuần sau ngày Bác mất (năm 1969), bài hát đã được hoàn thành và là ca khúc viết về Bác đầu tiên sau khi Người mất được Đài Tiếng nói Việt Nam ghi âm và phát sóng. Ngay lập tức “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” trở thành bài hát được hát nhiều nhất vào những ngày đó. Dẫu núi có mòn mà sông kia có cạn/ Miền Nam ơi! Miền Nam nhớ mãi ơn Người ơn Người thiết tha/ Hai tiếng miền Nam luôn trong tim của Người/ Thương nhớ ngày đêm không phút giây nào nguôi/ Miền Nam anh dũng ở trong tim Người… Sáng tác: thơ - Trần Nhật Lam, nhạc - Lưu Cầu, trình diễn: Thanh Thúy.
* Giáo dục không trừng phạt: Khuyến khích trẻ tự giác kỷ luật. Tác giả: Thomas Gordon, người dịch: Nguyễn Ngọc Diệp - Trần Thu Hương, NXB Tri Thức ấn hành xoay quanh một đề tài rất phức tạp là có hay không nên áp dụng kỷ luật trong giáo dục. Trong chương đầu của cuốn sách, Thomas Gordon đã trình bày một cách thấu đáo khái niệm “kỷ luật”, thế nào là kỷ luật tốt, thế nào là kỷ luật tồi. Sau đó, đưa ra nhiều biện pháp để thay thế kỷ luật trừng phạt trong giáo dục. Thông qua cuốn sách, Thomas Gordon cho biết, ông muốn “giúp cho người lớn học được phương thức mới trong việc quản lý gia đình, nhà trường và các tổ chức hướng đến giới trẻ”.
ĐÔNG A