Chủ quan điều trị sốt xuất huyết tại nhà:
Nhiều trẻ bị biến chứng nặng
Nhiều trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) được điều trị tại nhà, khi vào viện thì đã biến chứng nặng. Ðây là thực trạng rất đáng lo ngại.
Nhiều biến chứng nặng
20 giờ 30 ngày 22.10, khoa Nhi (BVĐK tỉnh) tiếp nhận bệnh nhân Mai Huyền Cẩm Nhung - 8 tuổi, ở thôn Tiên Hội, xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn - với chẩn đoán SXH Dengue ở ngày thứ 4. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số tiểu cầu chỉ còn 37.109/lít (ngưỡng bình thường là 150-360.109/lít); mạch nhẹ (100 lần/phút), huyết áp kẹp (100/80). Đây là những chỉ số quan trọng chứng tỏ tình trạng bệnh ở giai đoạn sốc nặng. Sau khi được điều trị tích cực, đến sáng 27.10, bé Nhung đã qua cơn nguy hiểm, hết sốt, tỉnh táo và ăn uống được.
Đã gần một tuần kể từ thời điểm con gái nhập viện, chị Trương Thị Phượng vẫn chưa hết sợ hãi. “Đưa cháu vào viện lúc tối, đến 3 giờ sáng thì cháu sốc nặng, chân tay tím tái, lạnh ngắt. Vợ chồng tôi cứ sợ con không qua khỏi. May mà các bác sĩ cấp cứu khẩn trương, cháu mới qua cơn nguy hiểm”, chị Phượng nhớ lại.
Theo lời của chị Phượng, bé Nhung bắt đầu sốt từ ngày 18.10. Nghĩ con chỉ bị sốt thông thường do trở trời, gia đình nhờ y tá đến thăm khám. Trong 3 ngày sau đó, bé được truyền 2 bình dịch và tiêm 3 mũi thuốc. Nhung bị bệnh đúng lúc đang thi giữa học kỳ, nên gắng gượng đi thi. Ngày 22.10, sau khi thi xong môn đầu tiên, Nhung có biểu hiện nôn nhiều, mệt mỏi. Đưa con đi siêu âm tại một phòng khám tư ở phường Đập Đá, chị Phượng mới tá hỏa khi biết dịch đã tràn ổ bụng của bé.
Ngay sau đó, bé Nhung được đưa vào Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn. Kết quả siêu âm cho thấy bé Nhung bị phù nề túi mật, ổ bụng có dịch tự do lượng vừa; bé được chuyển viện vào BVĐK tỉnh.
Bé Nhung là một trong những trường hợp biến chứng nặng do điều trị SXH tại nhà. Theo thống kê của khoa Nhi, từ đầu năm 2013 đến nay, có trên 800 bệnh nhi mắc SXH Dengue vào điều trị tại khoa, tăng 130-140% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, có nhiều bệnh nhân bị nặng, như sốc SXH, xuất huyết nặng, suy tạng… “Không chỉ ở vùng nông thôn, mà ngay tại TP Quy Nhơn vẫn có những phụ huynh lơ là, không biết con bị SXH. Đến khi phát hiện lại giữ con ở nhà, tự mua thuốc hạ sốt cho uống. Nhiều trường hợp đưa vào viện thì trẻ đã bị biến chứng nặng, điều trị khó khăn”, bác sĩ điều trị của khoa Nhi Trần Thị Nguyệt Ánh cho biết.
Không được chủ quan
“Khi trẻ sốt cao ≥ 380C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu trẻ còn sốt, lau người bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật. Lưu ý, không cho trẻ uống thuốc Aspirin hay Ibuprofen, có thể gây xuất huyết tiêu hóa”.
Bác sĩ PHẠM VĂN DŨNG, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh
Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phó trưởng khoa Nhi, SXH ở trẻ em rất khác người lớn, với biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, thời gian sốt kéo dài thường 5-7 ngày (người lớn là 7-10 ngày). Đáng chú ý, nguy cơ tử vong do SXH ở trẻ dưới 1 tuổi rất cao, nhất là ở nhóm nhũ nhi. Về mặt lâm sàng, rất khó chẩn đoán trẻ nhũ nhi bị SXH, do trẻ quá nhỏ không thể diễn tả được triệu chứng, biểu hiện lâm sàng lại trùng lắp với các bệnh lý khác. Bên cạnh đó, diễn tiến bệnh phức tạp rất dễ vào sốc, khó dự kiến việc xuất hiện sốc và khó dự liệu kết quả điều trị hơn người lớn.
“Bệnh SXH có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc nặng, suy hô hấp, xuất huyết nội tạng, tổn thương đa cơ quan và tử vong. Thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6). Bệnh nhi có thể trở nặng và sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời. Do đó, khi phát hiện trẻ bị SXH, cha mẹ không được tự ý điều trị tại nhà, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, điều trị và được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi bệnh”, bác sĩ Dũng phân tích.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 của bệnh SXH phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khám hằng ngày. Bác sĩ Phạm Văn Dũng đặc biệt lưu ý, phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu phát hiện trẻ có một trong các triệu chứng, như nôn nhiều, ăn uống kém, lừ đừ, da tái, tiểu rất ít, đau bụng nhiều, chảy máu lợi răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen.
Bác sĩ Dũng cũng lưu ý, cha mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ bị SXH. Trẻ cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường. Nên chọn những thức ăn trẻ thích, chia làm nhiều bữa nhỏ và không kiêng khem; cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… Không cho trẻ ăn, uống những thực phẩm có màu đen hoặc đỏ (dễ gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ). Lượng nước cần cung cấp cũng nhiều hơn, thích hợp là nước lọc, nước cam, chanh… đồng thời bổ sung dung dịch oresol để bù nước và một số điện giải bị mất do sốt cao.
NGUYỄN VĂN TRANG