Ðề xuất thay đổi giờ làm việc: Cần thận trọng, nghiên cứu kỹ
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đề xuất phương án thay đổi để thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước, dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. Vấn đề này đang được dư luận quan tâm. PV Báo Bình Ðịnh đã ghi nhận một số ý kiến góp ý.
* Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh:
Chuẩn bị chu đáo cho lộ trình nếu thay đổi
Liên quan đến sự ra đời của đề xuất trên, tôi từng kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội tháng 10.2017. Cơ sở của đề xuất là từ thực tiễn quy định giờ làm việc sớm trong khối cơ quan hành chính, khiến công chức không có đủ thời gian chuẩn bị cho việc gia đình, cá nhân trước khi đến cơ quan, dẫn đến công chức sử dụng thời gian đầu giờ vào việc khác còn phổ biến. Chính vì vậy tôi đã tổng hợp thông tin về giờ làm của các nước, qua đó nhận thấy nếu chúng ta chuyển giờ làm của khối cơ quan hành chính trễ hơn thì sẽ đem lại một số lợi ích về giao thông; về sức khỏe người lao động và hiệu quả công việc; về sức khỏe học sinh và quan hệ gia đình; về quan hệ xã hội và kỷ cương làm việc; về tiết kiệm năng lượng.
Nếu đề xuất đổi giờ làm được thông qua, tôi cũng kiến nghị Luật cần quy định rõ khi nào thống nhất giờ làm việc, để chúng ta chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, điều kiện ăn ở, nghỉ ngơi, đi lại của các đối tượng bị tác động; để các cơ quan, đơn vị khác như các đơn vị giao thông, cơ sở giáo dục có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, điều chỉnh giờ học, giờ làm cho phù hợp.
* TS Võ Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh:
Nên giữ nguyên giờ làm việc như hiện nay
Quy định giờ làm việc phải dựa trên thực tiễn của từng vùng, miền, địa phương. Giao thông ở các tỉnh, thành phố nhỏ không tắc đường, đa phần khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc ngắn nên nghỉ trưa 1 giờ ở lại nơi làm việc là không hợp lý vì liên quan đến vấn đề ăn, nghỉ, gây tiêu tốn điện năng công quỹ; còn nếu về nhà, thời gian 1 giờ là quá ít để thu xếp việc nhà. Đồng hồ sinh học của cơ thể con người lâu nay đã thích nghi với môi trường, giờ giấc làm việc, nên việc thay đổi giờ làm việc hành chính sẽ phải mất nhiều thời gian để thích nghi dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe và năng suất lao động.
Quy định thống nhất bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước cùng một thời điểm là cứng nhắc và chưa cần thiết.
* Bà Lê Thị Tuyết Trinh, Phó Chủ tịch LÐLÐ tỉnh:
Cần xem xét các điều kiện đi kèm
Chắc hẳn cũng nhiều người thấy điểm tiến bộ của đề xuất về thời gian làm việc mới: Đảm bảo liên thông, thống nhất trên cả nước; phù hợp với xu hướng của thế giới, hạn chế tình trạng cắt xén giờ làm việc cho việc cá nhân…
Tuy nhiên, đề xuất trên cũng chưa phù hợp với đặc điểm khí hậu của khu vực, nếp sinh hoạt… của đại bộ phận người dân ở địa phương. Từ đó, gây xáo trộn trong đời sống, phát sinh nhiều chi phí xã hội và kéo theo sự thay đổi ở nhiều lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, với thời gian nghỉ trưa theo đề xuất là 60 phút, cơ sở vật chất của các công sở cũng phải được đầu tư trang bị đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Tổ chức LĐLĐ rất quan tâm đến vấn đề này; qua bàn bạc, góp ý về đề xuất trên đều thống nhất kiến nghị trước mắt giữ giờ làm việc như hiện nay.
* Ông Thân Như Vương, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân:
Khó cho công chức, viên chức ở nông thôn
Ngay cả trước khi đi làm buổi sáng, bố mẹ đã chuẩn bị sẵn cơm nước cho con ăn để đi học chiều, thì thời gian nghỉ trưa 60 phút cũng không đủ để về nhà chở con đi học, rồi ăn uống, nghỉ ngơi “tốc hành” để làm việc buổi chiều. Trong khi ở nông thôn, vấn đề bán trú cho học sinh tiểu học chưa đáp ứng.
Bên cạnh đó, hầu hết công chức ở nông thôn đều tận dụng điều kiện để làm thêm nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Nghỉ trưa 60 phút, chắc chắn nhiều người sẽ gặp khó khăn và xảy ra tình trạng trễ giờ làm. Những điều đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất làm việc.
Ở khu vực nông thôn nên giữ quy định giờ làm việc như hiện hành sẽ hợp lý hơn.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 2 phương án:
1- Bổ sung vào Bộ luật quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút.
2- Giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không nêu trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính - cấp Bộ do Thủ tướng quyết định, địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
SAO LY (Thực hiện)