Cảnh giác với bệnh sốt rét
Thời điểm này năm ngoái chỉ rải rác vài bệnh nhân mắc sốt rét vào nằm viện, nhưng năm nay lượng bệnh nhân lại khá đông. Điều đáng nói là có rất nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm với bệnh sốt xuất huyết (với triệu chứng sốt, tiểu cầu giảm), khiến bệnh nặng hơn, dễ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán bệnh sốt rét rất dễ với những bệnh nhân có cơn sốt điển hình gồm 3 giai đoạn: rét run, sốt cao 39-400C, mỗi cơn sốt kéo dài 2-3 giờ và lặp lại sau 1-2 ngày, vã mồ hôi. Xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét khi lên cơn sốt giúp thầy thuốc chẩn đoán bệnh. Nhưng nhiều trường hợp không có cơn sốt điển hình rất dễ nhầm với các bệnh khác.
Cách đây không lâu, bệnh nhân Nguyễn Đình Ph. - 59 tuổi, ở khu vực 7, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn - có thể trạng mập, được đưa vào khoa Bệnh Nhiệt đới (BVĐK tỉnh) trong tình trạng toàn thân lạnh toát, vã mồ hôi, nổi vân tím, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Phiên trực cấp cứu đã tìm tĩnh mạch để tiêm truyền nhưng không được, bác sĩ ngoại khoa phải phẫu thuật để lộ tĩnh mạch, lấy máu xét nghiệm và truyền dịch. Chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ nghĩ đến sốc do nhiễm trùng máu hoặc sốt xuất huyết độ IV. Nhưng, kết quả xét nghiệm cho thấy ký sinh trùng sốt rét dày đặc trong máu. Các bác sĩ đã điều trị thuốc sốt rét, kịp thời cứu được bệnh nhân. Đây là một thể bệnh sốt rét ác tính thể giá lạnh, có trong y văn nhưng chục năm nay chúng tôi mới gặp.
Hay trường hợp bệnh nhân Trần Văn D. - 34 tuổi, ở huyện Tây Sơn - vào viện trong tình trạng hôn mê, kích thích, nói nhảm. Ban đầu, bác sĩ nghĩ đến bệnh viêm não, nhưng bệnh nhân vẫn sốt liên tục, xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện có ký sinh trùng sốt rét trong máu. Bệnh quá nặng, sốt rét ác tính thể não, dẫn đến tử vong.
Thực tế, bệnh sốt rét dễ chẩn đoán, dễ khống chế nhưng vẫn có người tử vong và nhiều bệnh nhân nhập viện. Vì vậy, thầy thuốc phải hỏi kỹ bệnh sử bệnh nhân có yếu tố dịch tễ đi làm ở vùng rừng núi về, thăm khám tỉ mỉ và làm xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét nhiều lần khi bệnh nhân lên cơn sốt. Khi từ vùng dịch lưu hành sốt rét về có triệu chứng sốt, người dân phải đến cơ sở y tế khám và nói rõ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
BS. NGUYỄN THỊ THU OANH (BVĐK tỉnh)