Ðấu thầu thuốc tập trung: Có lợi, nhưng còn vướng
Từ năm 2016, Sở Y tế làm đầu mối đấu thầu thuốc tập trung theo Thông tư 11/2016/TT-BYT. Ðến nay, so với đấu thầu riêng lẻ, đấu thầu tập trung đã tiết kiệm rất đáng kể về nhiều mặt, song vẫn còn những vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo Sở Y tế, giá trị gói thầu thuốc tập trung năm 2016 đã tiết kiệm hơn 14,2 tỉ đồng (20,3%); năm 2017 tiết kiệm hơn 146,5 tỉ đồng (9,75%); năm 2018 tiết kiệm hơn 92 tỉ đồng (7%).
Việc đấu thầu thuốc tập trung giúp kiểm soát giá cả, chất lượng thuốc được đảm bảo.
- Trong ảnh: Cấp thuốc cho bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT tại BVĐK tỉnh.
Bệnh viện khó chủ động thuốc
Đấu thầu thuốc tập trung có nhiều ưu thế so với đấu thầu riêng lẻ của từng bệnh viện, có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo lập một thị trường thuốc ổn định. Giá thuốc trúng thầu thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, thanh quyết toán chi phí sử dụng thuốc toàn tỉnh theo một mặt bằng giá cố định; tạo tính chủ động trong điều phối số lượng thuốc trúng thầu, đảm bảo sử dụng thuốc trúng thầu ở các cơ sở y tế đạt tối thiểu 80% theo quy định. Việc giám sát tiêu cực cũng đơn giản hơn so với đấu thầu riêng lẻ.
“Danh mục thuốc trúng thầu tại Bình Ðịnh đáp ứng hầu như đầy đủ nhu cầu sử dụng của các cơ sở khám chữa bệnh, ít khi xảy ra tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân tham gia BHYT. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đơn vị trúng thầu nhưng số lượng ít nên không tổ chức cung ứng, để xảy ra thiếu thuốc tại một số cơ sở; trường hợp này bệnh viện chủ động báo cáo Sở Y tế xin mua bổ sung để điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Riêng danh mục thuốc hiện do Bộ Y tế ban hành vẫn còn một số thuốc mới, biệt dược chưa kịp cập nhật, hoặc một số thuốc cũ bị loại ra khỏi danh mục. Những bất cập này, Bộ Y tế cần phải điều chỉnh kịp thời để tránh mất quyền lợi của người bệnh BHYT”
Phó Giám đốc BHXH tỉnh HÀ THÚC CHÍ
Tuy nhiên, quá trình triển khai đấu thầu thuốc tập trung phát sinh một số vướng mắc. Theo Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ, dù đơn vị đấu thầu tập trung đã chủ động xây dựng kế hoạch từ rất sớm (thường thì trước 6 tháng) nhưng kết quả vẫn bị trễ so với thời gian quy định, gây khó khăn trong điều trị. “Tỉ lệ trượt thầu do vượt giá kế hoạch, điểm kỹ thuật nhà thầu không đạt, hoặc nhà thầu không tham gia còn khá cao. Điều này khiến bệnh viện khó chủ động thuốc. Gần đây, trong hơn 1.000 mặt hàng thuốc của bệnh viện, số trúng thầu chỉ cung ứng được chừng 70%. Đấu thầu tập trung mất 6 tháng, khi xảy ra trượt thầu, đơn vị phải tự tổ chức đấu thầu, có sớm gì cũng phải mất hơn 1 tháng mới bổ sung được thuốc”, ông Mỹ nói.
Trong khi đó, theo bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, việc cung ứng thuốc từ các nhà thầu hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, đơn cử như hiện tượng một vài công ty không thể cung ứng thuốc kịp thời, ngay cả với một số mã hàng đã trúng thầu tập trung. Một bệnh viện tư nhân có nhiều cơ hội để linh hoạt, xoay xở như BVĐK Hòa Bình cũng có một số điểm vướng. Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Trần Thị Thu cho biết: “Nguy cơ lớn nhất chính là không chủ động được nguồn thuốc; ví như đến thời điểm hết thuốc, khan hiếm thuốc, nói chung là cơ sở điều trị rất cần có thuốc để điều trị vẫn có tình trạng nhà thầu ngắt nguồn cung ứng”.
Gỡ vướng từ chính sách
Nói về những điểm vướng kể trên, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định, việc nhà thầu không cung ứng đủ thuốc trong giai đoạn ngắn có thể xảy ra đối với một số loại thuốc chỉ là do bất khả kháng (chờ cấp giấy phép nguyên liệu nhập khẩu, chờ cấp số đăng ký/giấy phép nhập khẩu mới, chính sách thay đổi về hoạt chất…). Nhưng vẫn có thuốc tương đương thay thế để phục vụ điều trị. Trong tháng 5 này, UBND tỉnh cũng đã ủy quyền cho Sở Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu những gói thầu mua thuốc không tập trung tại các cơ sở y tế công lập trực thuộc và các đơn vị sự nghiệp công lập có sử dụng thuốc thuộc Sở LĐ-TB&XH có tổng giá trị dự toán không quá 1 tỉ đồng/đơn vị.
Dù vậy, thực tế triển khai thực hiện cho thấy, nhiều bất cập buộc phải điều chỉnh ở cấp vĩ mô. Điểm dễ thấy nhất là văn bản quy định về đấu thầu thuốc liên tục thay đổi. Ngay cả Thông tư 11/2016/TT-BYT của Bộ Y tế vừa mới ban hành áp dụng thì hiện đã có dự thảo sửa đổi. Công tác đấu thầu đòi hỏi huy động một lực lượng lớn nhân sự để tham gia quá trình đấu thầu thuốc từ các cơ quan liên quan, kéo dài ít nhất là 6 tháng. Thế nhưng, việc tham khảo giá thuốc kế hoạch như quy định hiện nay đang gặp khó khăn khi Bộ Y tế chưa công bố giá tối đa của từng mặt hàng thuốc; cập nhật chưa kịp thời, chưa đầy đủ giá thuốc trúng thầu của 63 tỉnh, thành phố, bệnh viện tuyến Trung ương; cũng chưa quy định mức giá tối thiểu của từng mặt hàng thuốc để chống bán phá giá.
“Đến nay, vẫn chưa có trung tâm kiểm soát độc lập giá thuốc trúng thầu cấp quốc gia dẫn đến việc so sánh giá thuốc sau khi trúng thầu giữa các địa phương chưa có mức chuẩn để đối chiếu, gây tranh cãi giữa cơ quan BHXH và Bộ Y tế. Giá thuốc biến động theo quy luật của thị trường, đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chủ yếu là nhập từ nước ngoài do vậy rất khó kiểm soát giá; chưa kể đấu thầu hiện nay chủ yếu là đấu về giá (70% về giá), khiến các nhà sản xuất, kinh doanh thuốc tìm mọi cách để hạ giá thành sản phẩm dẫn đến chất lượng thuốc nguy cơ bị giảm khi sử dụng nguyên liệu giá thành rẻ, độ tinh khiết thấp”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
MAI HOÀNG