Hồ Hóc Sình bị xâm hại
Gần đây, một doanh nghiệp tư nhân ngang nhiên mở đường đâm thẳng xuống lòng hồ Hóc Sình, thuộc thôn Phước Chánh, xã Mỹ Phong (Phù Mỹ) để phục vụ hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ keo, làm gia tăng nguy cơ sạt lở hồ. Trước đó, khu vực ven hồ còn bị người dân địa phương lấn chiếm để trồng keo, khiến lòng hồ bị bồi lấp, không cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Doanh nghiệp tư nhân Quyên Thắng (DN Quyên Thắng, địa chỉ tại huyện Vân Canh) là đơn vị trúng thầu khai thác khoảng 32 ha keo nằm ở phía Bắc hồ Hóc Sình. Khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5.2019, DN này cho máy đào vào khu vực rừng keo mở tuyến đường đâm thẳng xuống lòng hồ để phục vụ hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ keo.
.Tuyến đường DN Quyên Thắng tự mở đâm thẳng xuống hồ Hóc Sình
Tuyến đường DN tự mở dài gần 150 m, rộng 3 - 4 m, có độ dốc tương đối lớn. Ngoài ra, DN này còn tự ý đào 1 hố sâu giữa lòng hồ để lấy nước.
Ông H.Đ., trú thôn Phước Chánh, bức xúc: “Việc mở đường chạy thẳng xuống hồ sẽ gây sạt lở đất mỗi khi trời mưa, bồi lấp và ảnh hưởng đến an toàn hồ đập. Việc DN tự ý mở đường kéo dài nhiều ngày nhưng UBND xã Mỹ Phong không phát hiện, ngăn chặn”.
... và hố sâu đơn vị này đào giữa lòng hồ.
Còn ông N.V.C, trú thôn Phước Chánh, thì kiến nghị: “Hồ Hóc Sình cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho hơn 250 hộ dân trong thôn. Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, việc lấn chiếm đất ven hồ để trồng keo khiến lòng hồ bị bồi lấp, chỉ còn đủ cung cấp nước tưới cho vụ Đông Xuân. Việc DN mở đường xuống hồ sẽ làm gia tăng mức độ bồi lấp. Chúng tôi đề nghị xã và các ngành chức năng liên quan xử lý nghiêm”.
Trao đổi với PV Báo Bình Định, ông Thái Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, cho biết: DN lợi dụng dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua để mở đường nên địa phương chậm phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã và ngành chức năng huyện Phù Mỹ tới hiện trường kiểm tra, yêu cầu DN ngưng việc mở đường. Ngày 13.5, UBND xã làm việc với đại diện DN Quyên Thắng đề nghị san ủi mặt bằng, đắp kè không cho đất sạt xuống khu vực lòng hồ Hóc Sình và trồng lại cây như hiện trạng trước lúc mở đường. DN cam kết trong thời gian tới sẽ thực hiện; đồng thời, mở tuyến đường khác không ảnh hưởng tới hồ để khai thác, vận chuyển gỗ keo.
Ngoài ra, ông Minh cũng thừa nhận có tình trạng một số người dân - kể cả đảng viên và người nhà lãnh đạo xã Mỹ Phong - lấn chiếm đất, trồng keo trái phép tại khu vực ven và trong lòng hồ Hóc Sình. Hầu hết các trường hợp này vi phạm trước năm 2014, địa phương đang xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, thì trách nhiệm chính thuộc về UBND xã Mỹ Phong khi để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng keo trái phép. Theo Chỉ thị số 18 ngày 7.9.2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, đối với diện tích rừng lấn chiếm, trồng trước năm 2014, chính quyền địa phương quản lý, khoanh nuôi. Đến chu kỳ khai thác, cá nhân trồng trái phép được khai thác nhưng theo quy trình kỹ thuật của ngành chức năng; sau đó, xã thu hồi đất để quản lý. Riêng diện tích rừng lấn chiếm, trồng sau năm 2014, địa phương kiên quyết nhổ bỏ, thu hồi đất. Nhưng đến nay, UBND xã Mỹ Phong chưa thực hiện đúng Chỉ thị số 18 đối với các trường hợp vi phạm tại khu vực hồ Hóc Sình.
Rừng trồng thuộc dự án JICA 2 bị phá hoại
Vào tháng 2 và tháng 3.2019, một số đối tượng vào khoảnh 1, khoảnh 2a, tiểu khu 160A - thuộc dự án JICA 2, tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Hóc Sình - chặt phá 52 cây keo lai và 69 cây sao đen cùng 4 năm tuổi.
Khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Hóc Sình thuộc dự án JICA 2 đã xảy ra hiện tượng phá hoại cây trồng.
Tại buổi tiếp xúc giữa ÐBQH với cử tri vào đầu tháng 5.2019 ở xã Mỹ Phong, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng cho biết huyện đã nắm được vụ việc, đang chỉ đạo cơ quan CA tiến hành điều tra, xác minh đối tượng và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
VĂN LỰC