Thêm động lực để bài chòi lan tỏa
Ngày 6.5, UBND tỉnh đã thông qua Ðề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2019 - 2023. Ðây là động lực để bài chòi ngày càng thấm sâu, lan tỏa.
Việc UBND tỉnh thông qua Đề án được xem là động thái nối tiếp thể hiện sâu sắc niềm tự hào và trách nhiệm đối với nghệ thuật bài chòi; mặt khác còn là nguồn động viên để đội ngũ nghệ nhân, những người tâm huyết với bài chòi miệt mài cống hiến.
Lan tỏa giá trị di sản
Từ lúc bài chòi được phục dựng đến nay, TP Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn là những địa phương luôn đi đầu trong phong trào gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này. Nếu như Hoài Nhơn lan rộng mô hình CLB bài chòi về 17 xã, thị trấn thì TP Quy Nhơn duy trì thường xuyên hội đánh bài chòi dân gian; mở nhiều đợt tập huấn để đưa bài chòi về cơ sở; tổ chức nhiều hội thi, đặc biệt là hội thi bài chòi cho học sinh THCS để lan tỏa hơn sự ảnh hưởng của bài chòi vào cuộc sống.
Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Và nay, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2019 - 2023 sẽ là điểm tựa để tất cả địa phương cùng chung tay bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Theo các mục tiêu mà Đề án đề ra, đến năm 2023 toàn tỉnh sẽ có hơn 90 CLB nghệ thuật bài chòi; 100% số xã vùng biển, đảo có hội đánh bài chòi dân gian; có ít nhất 5 khu, điểm cơ sở dịch vụ du lịch hoặc làng văn hóa - du lịch đặc trưng tổ chức các hoạt động liên quan đến nghệ thuật bài chòi; có 20% số trường THCS, THPT thành lập CLB “Em yêu nghệ thuật bài chòi dân gian”, đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa về nghệ thuật bài chòi cho học sinh.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH&TT), cho biết: Để bài chòi đến gần với mọi người, bên cạnh việc kiểm kê, lưu giữ những câu thai, hiện vật của ông cha, sắp tới sẽ có những hoạt động khuyến khích nghệ nhân tiếp tục sáng tác những câu thai mới phù hợp hoàn cảnh xã hội hiện nay, phục vụ chính xác nhu cầu của sự kiện, của đối tượng để hội bài chòi phong phú, thu hút hơn. Đồng thời, Đề án chú trọng quan tâm, phát triển đội ngũ nghệ nhân, phải có lớp trẻ kế thừa và nghệ nhân sẽ được đào tạo trong dân gian gắn liền với làng xã.
Chú trọng chiều sâu
Theo kế hoạch, Đề án sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn: từ năm 2019 - 2020 và từ năm 2021 - 2023, với các công việc: Kiểm kê di sản nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh; thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật bài chòi; xây dựng chế độ, quy định hỗ trợ, tạo điều kiện trong hoạt động thực hành, truyền dạy và tôn vinh, biểu dương, khen thưởng; tăng cường vai trò quản lý nhà nước, giáo dục phù hợp về di sản nghệ thuật bài chòi; chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá.
Nhiều trường ở TP Quy Nhơn đã có CLB bài chòi học sinh.
Việc đưa bài chòi vào trường học, TP Quy Nhơn là địa phương đi đầu và Hội đánh bài chòi dân gian dành cho học sinh THCS được tổ chức thường niên. Nghệ nhân Phạm Hoàng Việt (TP Quy Nhơn) chia sẻ: Việc truyền dạy bài chòi cho học sinh là điều cần thiết để bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, ngoài việc tạo dựng phong trào, để các em hiểu chính xác về bài chòi cũng như tạo nền tảng tốt cho các em, việc lựa chọn nghệ nhân tập huấn, truyền dạy cũng là điều đáng lưu ý.
Bên cạnh đó, vì bài chòi sinh ra từ dân gian và lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, không tránh khỏi dị bản nên việc kiểm kê, sưu tầm câu thai cổ cũng nên tìm hiểu đúng bản chất ý nghĩa câu thai. Ở mỗi câu thai, dù rằng khuyên bảo hay phê phán, ông bà ta cũng rất thâm thúy và dùng điển cố, điển tích rất nhiều, đôi lúc nghệ nhân hoặc là vì nhầm lẫn, hoặc là không hiểu hết ngữ nghĩa của câu thai nên hô hát bị chệch, làm mất một phần nghĩa, hoặc câu thai không còn ý nghĩa.
Việc Đề án được thông qua đã tạo niềm vui cho nhiều nghệ nhân, công chúng quan tâm đến di sản. Nghệ nhân nhân dân Minh Đức chia sẻ: “Tôi đã vô cùng xúc động khi bài chòi được vinh danh, nay tôi lại được vui mừng khi có Đề án để bảo vệ, phát huy bài chòi vì tôi sợ bài chòi ngày càng mai một. Trong khả năng mình, tôi sẵn sàng truyền dạy cho các em, các cháu. Đồng thời, tôi mong muốn không gian văn hóa của hội đánh bài chòi sẽ được khôi phục, gìn giữ đúng ý nghĩa của nó”.
THẢO KHUY