Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất nghỉ lễ vào dịp 27.7
Chiều 14.5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.Hoài (TTXVN)
Thống nhất về mặt chủ trương các nội dung của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát thêm, đánh giá tác động của một số nội dung mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, tăng tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tiền lương… để khi Bộ Luật ban hành sát với thực tiễn.
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có bổ sung 1 ngày nghỉ lễ vào ngày 27.7, bởi số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm của người lao động Việt Nam hiện nay ở mức thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Nhiều đại biểu đồng tình với việc bổ sung này, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, thêm ngày nghỉ lễ vào dịp 27.7 là hợp lý, suốt thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, hiện không có một ngày nghỉ lễ nào.
Đồng quan điểm, ông Trần Hảo Trí, Phó Trưởng phòng Quản lý Lao động Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, nghỉ lễ ngày 27.7 là một dịp ý nghĩa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, tri ân với những người đã có công với nước.
Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều đại biểu đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nếu đồng thời có các điều kiện khác để đảm bảo quyền lợi thụ hưởng an sinh xã hội của người lao động. Cụ thể, các đại biểu đồng tình với lộ trình tăng trong phương án 1, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Cụ thể, kể từ ngày 01.01.2021, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 3 tháng, nữ là 55 tuổi 4 tháng; sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh nhận định, trong thị trường lao động, do đặc thù ở một số ngành nghề, nhiều người lao động không “theo cuộc chơi” được đến 60 tuổi (nữ) hay 62 tuổi (nam).
Nếu tăng trần tuổi nghỉ hưu lên, thì những đối tượng này có đủ điều kiện hưởng lương hưu hay không? Vì vậy, để nhiều người được hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội như tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ông Nguyễn Tất Năm đề nghị, đồng thời với tăng trần tuổi nghỉ hưu, cần điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống có thể là 15 năm thay vì phải 20 năm đóng như hiện nay.
Đồng thời, cần đánh giá một số ngành nghề đặc thù, mà người lao động không thể “theo cuộc chơi” được đến tuổi nghỉ hưu, cũng không thể chuyển đổi nghề nghiệp được, để có chính sách phù hợp.
Trong khi đó, ông Trần Hảo Trí đề xuất áp dụng quy định tăng tuổi hưu với những người tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2021 trở về sau; còn với lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội thì giữ điều kiện về tuổi nghỉ hưu như hiện nay, không thay đổi.
Về nội dung mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Bộ Luật Lao động hiện hành quy định tổng thời gian làm thêm tối đa của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì không quá 300 giờ/năm.
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất này, tuy nhiên cần quan tâm đến vấn đề sức khỏe của người lao động.
Ông Nguyễn Tất Năm cho rằng, Ban soạn thảo dự thảo Bộ Luật cần cân nhắc và đánh giá tác động mặt trái của việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa, từ sức khỏe đến thời gian hưởng thụ về phúc lợi, văn hóa tinh thần của công nhân.
Bởi thực tế hiện nay, công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp sau giờ làm việc và làm thêm về nhà trọ chỉ biết ngủ và ngủ để bù lại sức lao động.
Theo T.Hoài (TTXVN/Tin tức)