Gieo yêu thương trong một ngôi trường
Ðể trường học là địa chỉ của hạnh phúc, đồng thời với truyền thụ kiến thức, thầy cô còn yêu thương và nuôi dưỡng yêu thương nơi học sinh. Ðó là ấn tượng lớn nhất tôi cảm nhận được ở Trường Tiểu học số 1 Nhơn Thành (TX An Nhơn).
Xây dựng môi trường thân thiện
Một buổi chiều đầu tháng 5, tôi đến thăm Trường Tiểu học số 1 Nhơn Thành, đúng vào giờ ra chơi. Dẫu trời oi bức nhưng tại khu vực thư viện xanh của trường vẫn khá mát mẻ, nhiều nhóm học sinh ngồi đọc sách, báo dưới tán cây xanh rợp bóng. Sát bên thư viện xanh là vườn hoa, giờ ra chơi, các em ra ngắm hoa, chăm hoa của lớp mình. Thấy tôi đến có em còn mang chậu hoa lan đến khoe. Trong khuôn viên trường còn có nhiều khoảnh sân rộng trồng nhiều cây xanh, sân bóng đá mini và sân bóng chuyền để học sinh vui chơi, thư giãn.
Các em đọc sách ở thư viện xanh.
Thầy Đinh Thạnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Chúng tôi bắt đầu xây dựng sân chơi cho các em từ năm 2010. Tiếp đó là tạo lối đi, tạo cảnh quan, sân cỏ, trồng hoa. Những việc làm này có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của phụ huynh. Những ngày tổng kết lớp, phụ huynh thường đến chụp hình lưu niệm và đánh giá không gian cảnh quan nơi con em mình học tập. Lúc mới xây dựng thư viện xanh, chưa có nhiều em đến đọc sách ngay đâu. Nhưng giờ nhiều em còn đem sách ở nhà đến góp vào để các bạn cùng đọc.
Bên cạnh nguồn kinh phí do ngân sách cấp, ban giám hiệu còn vận động các nguồn xã hội hóa để xây dựng môi trường học tập ngày càng tốt cho các em. Nhờ nỗ lực đều đặn trong nhiều năm, đến nay, trường có 12 tivi đặt ở các phòng học, 1 bảng tương tác ở phòng học tiếng Anh. Theo thầy Đinh Thạnh, việc vận động các nguồn xã hội hóa vừa nhạy cảm vừa phức tạp, do vậy, khi có ý tưởng về điều gì, nhà trường sẽ làm kế hoạch chi tiết, lên kế hoạch và gởi cho ban đại diện phụ huynh các lớp xem trước. Sau đó, chính phụ huynh mới là người quyết định toàn bộ, nếu làm thì phụ huynh tự tay mua sắm đến lắp đặt. Việc làm nào phát huy lợi ích thực tế, tạo môi trường và phục vụ tốt việc dạy và học cho các em, phụ huynh sẽ ưng thuận, ủng hộ.
“Giáo viên thường xuyên sử dụng bài giảng điện tử vì so với cách giảng cũ, nó có nhiều ưu điểm, có thể trình chiếu video, hình ảnh chân thực nhất để các em nhận diện được sự vật, cảnh sắc, tiết kiệm được thời gian chép bảng mình sẽ có thêm thời gian để thảo luận, hướng dẫn các em. Ngoài ra, giáo viên còn có thể tạo nhiều trò chơi theo cách vừa học vừa chơi để khuấy động không khí, các em dễ tiếp thu hơn” - cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 4D chia sẻ.
Gieo yêu thương, được hạnh phúc
Vừa rồi, ở lớp 5E Trường Tiểu học số 1 Nhơn Thành có một học sinh mắc bệnh tim, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ em quyết định cho em nghỉ học. Không thể để học trò của mình nghỉ học như vậy, thầy chủ nhiệm, thầy tổng phụ trách Đội cùng các bạn học sinh 2 lần đến động viên gia đình cho em đi học. Tại buổi thăm, trường tổ chức tặng quà động viên, ở lớp học, bạn được thầy tạo điều kiện nhiều hơn, đồng thời ban giám hiệu tiếp tục tìm mọi cách để giúp học sinh của mình.
Thầy Trần Xuân Hưng, giáo viên tổng phụ trách Đội, cho biết: Hàng năm, trường xây dựng nhiều quỹ để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: Quỹ 1000 + 1, quỹ lì xì heo đất, quỹ tấm lòng vàng... Ở quỹ 1000 + 1, mỗi ngày mỗi giáo viên, cán bộ, nhân viên (trừ những giáo viên mới ra trường) đóng góp 1.000 đồng để giúp cho 1 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn. Tết vừa rồi, trường tổ chức tặng quà cho 20 học sinh khó khăn, giúp các em vui đón tết. Ở chương trình lì xì heo đất, cuối năm nhà trường trích quỹ tặng xe đạp, góc học tập cho học sinh khó khăn. Số tiền còn lại trường dùng để mua lại sách giáo khoa của những em lớp trên để tặng cho học sinh lớp dưới. Ngoài ra, quỹ tình thương của trường sẽ dành để giúp đỡ học sinh, thầy cô khó khăn, dù ít dù nhiều cũng là cái tình!
Đặc biệt, trường có chung 1 heo đất, đó là nơi các em thể hiện lòng trung thực, thật thà. Những em nhặt được của rơi nếu không tìm ra chủ nhân để trả lại sẽ bỏ vào heo đất, đây là quỹ từ thiện giúp đỡ học sinh khó khăn. Những em có ý thức tốt được nhà trường cộng điểm thi đua, tuyên dương. Nô đùa cùng các bạn trong sân trường, em Lương Thị Ý Nhi (lớp 5G) cười toe bảo: Con thích đến trường vì đến trường rất vui, thầy cô dặn con nhặt được của rơi phải trả cho người mất.
Ngoài ra, trường còn tổ chức chăm sóc Thủ thành Quy Nhơn (cách trường 500 m). Thầy Thạnh chia sẻ: Hằng tháng, trường đưa học sinh đến viếng thăm, sau đó quét dọn. Ngày trước ý thức người dân chưa cao, rác thải ở đây rất nhiều, từ ngày thấy con em mình dọn rác, người dân ít xả rác hơn. Bên cạnh đó, trường còn trích quỹ kế hoạch nhỏ để các em dâng hương ở nghĩa trang liệt sĩ. Qua đó vừa giáo dục truyền thống cho trẻ, vừa tác động đến ý thức của người dân xung quanh.
Có một điểm ở Trường Tiểu học số 1 Nhơn Thành mà tôi rất thích là cách thầy cô ở đây diễn đạt “học sinh/học trò của mình”, họ liên tục nhắc như vậy, như một cách “sở hữu” đầy yêu thương, học sinh của mình thì mình yêu thương, đó là điều hết sức tự nhiên! Tôi nghĩ cũng như tôi, có lẽ rất nhiều phụ huynh ở đây cũng có cảm nhận như vậy!
THẢO KHUY