Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18.5.2019) và kỷ niệm 60 năm Bộ Khoa học và Công nghệ:
Nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội
Những năm qua, Sở KH&CN cùng các sở, ngành, đơn vị, cá nhân nỗ lực thực hiện các mục tiêu trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN xung quanh kết quả thực hiện các mục tiêu này.
* Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện các mục tiêu cho đến nay, thưa ông?
- Nhìn chung, các mục tiêu của Chương trình hành động đề ra đều có khả năng đạt và vượt. Ví dụ, tỉ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 đã đạt được 33,18%. Tốc độ đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017 ước đạt 12,62%. Hiện nay đã có 6 DN được chứng nhận DN KH&CN. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Khu nông nghiệp công nghệ cao Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với quy mô 406 ha tập trung nuôi tôm công nghệ cao; xây dựng hạ tầng và quy hoạch 2 vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) và xã Cát Thành (huyện Phù Cát). Đồng thời, Sở cũng triển khai một số chương trình hỗ trợ DN áp dụng công nghệ vào trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Liên quan đến các nhiệm vụ nghiên cứu, những đề tài đã bám sát thực tiễn cuộc sống, giúp tìm ra giải pháp và giải quyết hiệu quả những bức xúc của đời sống xã hội. Có thể lấy một số ví dụ như đề tài Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh tại BVĐK tỉnh Bình Định của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Quy Nhơn giúp bệnh nhân giảm xét nghiệm trùng lắp tại các cơ sở, đồng thời giúp có thể hội chẩn từ xa. Phần mềm này được sở y tế các tỉnh bạn như Phú Yên, Bình Phước... đặt mua.
Một đề tài nổi trội trong lĩnh vực y tế đang triển khai là đề tài điều trị vô sinh, chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) về đây, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Trong lĩnh vực nông nghiệp thì có nhiều ứng dụng công nghệ cao như nuôi tôm công nghệ cao, khu nuôi heo cụ kỵ, nuôi hàu làm thực phẩm chức năng... Về KHKT và công nghệ, kết quả các đề tài giúp cho công tác quản lý hiệu quả, phù hợp với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý hạ tầng bưu chính - viễn thông trên địa bàn tỉnh Bình Định.
* Một trong những mục tiêu được nhiều người quan tâm là xây dựng Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa trở thành điểm đến của các nhà khoa học trên thế giới và trong nước. Việc này đã được triển khai đến đâu, thưa ông?
- Hiện tại, tỉnh đang hoàn thiện và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án phát triển “Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, nhằm mục tiêu xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc thí điểm xây dựng và phát triển một khu đô thị khoa học đầu tiên của cả nước tại tỉnh Bình Định mang tầm quốc gia, quốc tế.
Toàn cảnh Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa.
Trong thời gian qua, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Dự án Tổ hợp không gian khoa học. Trong đó, tập trung triển khai để hoàn thiện giai đoạn 1 Dự án Tổ hợp Không gian khoa học và khởi công giai đoạn 2 của dự án là Khu khám phá khoa học và Trạm quan sát thiên văn phổ thông thuộc Tổ hợp Không gian khoa học. Tỉnh đã phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức các sự kiện quốc tế, trong đó có các hội nghị quốc tế và trường hè khoa học chuyên đề với các chủ đề của các sự kiện quốc tế liên quan đến những lĩnh vực như vật lý, sinh học, môi trường và công nghệ thông tin.
Các đơn vị trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ cho hoạt động của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) như: Hỗ trợ tổ chức các hội nghị quốc tế có sự tham gia của các nhà khoa học đạt giải Nobel, đề xuất các chính sách ưu đãi thuế, đề xuất với Chính phủ xem xét hỗ trợ theo cơ chế đặc thù cho hoạt động của ICISE.
Chương trình Gặp gỡ Việt Nam năm 2019 có nhiều hội nghị khoa học quốc tế và lớp học chuyên đề, tiếp tục thu hút nhiều nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế đến ICISE tham dự.
Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa được triển khai mạnh mẽ. Hiện, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh Bình Định (thuộc Tập đoàn TMA) đang triển khai xây dựng Khu Công viên sáng tạo TMA với quy mô hơn 10 ha. Bên cạnh đó, một số công ty, tập đoàn phần mềm nổi tiếng trong và ngoài nước đang tìm hiểu cơ hội đầu tư về phần mềm, công nghệ thông tin tại tỉnh.
* Thế còn hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì sao, thưa ông?
- Thực hiện Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Sở KH&CN đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp của tỉnh. Theo đó, chúng tôi đã dành một không gian rộng để thành lập khu không gian khởi nghiệp chung tại Sở KH&CN gọi là BIHUB. Hàng năm, BIHUB tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, doanh nhân trẻ. Sau cuộc thi, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các bạn trẻ ươm mầm thành DN khởi nghiệp sáng tạo.
Một đề tài nổi trội trong lĩnh vực y tế đang triển khai là đề tài điều trị vô sinh, chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh).
- Trong ảnh: Kỹ thuật viên đang chích ICSI tiêm tinh trùng vào bào tương noãn.
Hàng tuần, tại BIHUB, chúng tôi mời các chuyên gia đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên, phụ nữ, bạn trẻ trong tỉnh. Trong hợp tác về khởi nghiệp, vừa qua chúng tôi ký kết với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thuộc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh (SIHUB) để họ hỗ trợ chuyên gia, mời các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh về đây tài trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh.
* Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình gặp những khó khăn gì và để hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn, Sở KH&CN có những kế hoạch gì, thưa ông?
- Sở đã có kế hoạch tiếp tục tuyên truyền và đẩy nhanh việc hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình hành động. Cụ thể, Sở sẽ triển khai và tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đầu tư tiềm lực, đổi mới cơ chế, chính sách cho hoạt động KH&CN, từng bước hình thành thị trường KH&CN của tỉnh. Tập trung triển khai nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực như: Khoa học xã hội nhân văn, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp, KHKT và công nghệ... Riêng đối với lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đặt hàng những nhiệm vụ nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ để làm tiền đề phát triển KT-XH của tỉnh trong 5 năm tiếp theo; trong đó, đề xuất một số giải pháp giúp KT-XH tỉnh phát triển sâu rộng hơn nữa.
* Xin cảm ơn ông!
Ngày 20.10.2016, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 07-Ctr/TU về phát triển KH&CN tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2016 - 2020 với các mục tiêu chính như sau:
* Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, KHKTvà công nghệ, khoa học nông nghiệp, khoa học y, dược.
* Nâng tỉ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh lên 25 - 30%.
* Tốc độ đổi mới công nghệ đạt từ 12 -15%/năm.
* Có 10 đến 15 DN trong tỉnh được hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, trong đó có 2 - 3 DN ứng dụng công nghệ cao.
* Hình thành 3 - 5 DN KH&CN và 1 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.
* Phấn đấu xây dựng 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 2 - 3 vùng nông nghiệp chất lượng cao đạt giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích ít nhất gấp 1,5 lần mức bình quân chung của cả tỉnh.
* Từng bước xây dựng và hoàn thành Khu Ðô thị Khoa học Quy Hòa tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) trở thành điểm đến của các nhà khoa học trên thế giới và trong nước.
NGỌC TÚ (Thực hiện)