Sắp diễn ra ngày hội với các 'phòng thí nghiệm mở' cho học sinh
Học sinh có thể tự tay làm thí nghiệm, lập trình robot với sự hướng dẫn của chuyên gia trong ngày Hội STEM 2019.
Ngày hội STEM 2019 với chủ đề "Nguyên tố bí ẩn" nhằm hưởng ứng Năm Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học (Bảng Tuần hoàn Mendeleev) do Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Sáng tạo S3, Học viện STEM... cùng nhiều đơn vị phối hợp tổ chức vào ngày 19.5.
Một sản phẩm tham gia Cuộc thi "Tìm hiểu, thiết kế Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Ảnh: Phan Minh.
Sự kiện được mở cửa tự do dành cho tất cả những ai quan tâm đến giáo dục STEM, đặc biệt là các em học sinh từ 8 -18 tuổi, các giáo viên phổ thông, nhà quản lý và phụ huynh học sinh.
Ngày hội tập trung vào hai phần hội và học thông qua 4 trải nghiệm: nghe, xem, sờ và làm. Người tham gia sẽ được nghe những bài giảng đại chúng từ các nhà khoa học như PGS Nguyễn Thị Hà (Đại học Khoa học tự nhiên) và PGS Phạm Anh Tuấn (Trưởng ban Quản lý dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) cùng các vấn đề triển khai giáo dục STEM ở địa phương; xem những thí nghiệm khoa học, nổi bật như thí nghiệm về khí làm biến đổi giọng nói.
Tại 20 gian hàng từ những phòng giáo dục, trường học, công ty giáo dục STEM trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận giới thiệu trong ngày hội, những người tham gia có thể trực tiếp làm thí nghiệm, điều khiển robot, lập trình máy tính... Những phòng '"thí nghiệm mở" như phòng máy gia tốc, thí nghiệm trọng điểm enzyme và protein, phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường và bảo tàng địa chất sẽ là nơi trải nghiệm nghiên cứu cho các học sinh yêu khoa học.
Đây là năm thứ 5 Ngày hội STEM được tổ chức tại Việt Nam theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng và Liên minh STEM dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong khuôn khổ ngày hội, Đại học Khoa học tự nhiên cũng công bố kết quả của Cuộc thi "Tìm hiểu, thiết kế Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học” do Bộ Khoa học công nghệ giao (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát động từ ngày 25.2 đến 26.4.
Theo Phan Minh (VnE)