Chuyện của yêu thương
Cách đây 2 năm, em Nguyễn Hải Quỳnh (SN 2005, ở thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) đang học lớp 6 thì đành xa trường lớp bởi mắc nhiều bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau bệnh tật cùng gia cảnh khó khăn của Quỳnh phần nào được xoa dịu khi quanh em có những người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia.
Chị Trâm (ngoài cùng, bên phải) trong một lần đến nhà thăm Quỳnh (thứ ba từ phải sang).
Những ai biết được hoàn cảnh của gia đình em Nguyễn Hải Quỳnh cũng đều thấy xót xa. Từ khi phát hiện em bị bệnh ung thư máu, hiện đã di căn sang tim và tủy, loãng xương nặng…, thì tình trạng bệnh tâm thần của cha em là ông Nguyễn Văn Triều (người dân tộc Thổ, quê xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) - hậu quả từ việc bị TNGT trước đó - càng trầm trọng. Còn mẹ Quỳnh, bà Dương Thị Điểu, đang làm tất cả những gì có thể để cùng con đương đầu với bệnh tật.
2 năm qua, mẹ con Quỳnh ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Hiện Quỳnh đang được chăm sóc tại nhà, dùng thuốc giảm đau, an thần và thực phẩm chức năng. “Con hầu như chỉ ngủ được vào tầm gần sáng, suốt đêm bị những cơn đau hành hạ. Nhiều khi quá sức chịu đựng, Quỳnh lăn lộn, hất hết mền gối, vật dụng bên cạnh. Nhưng khi dịu cơn đau là con “hối lỗi” đi dọn dẹp, kiếm chuyện vui để an ủi mẹ. Con chẳng than thở hay yêu cầu gì, ngược lại lúc nào cũng lo nghĩ cho người thân và thấy mình còn may mắn, hạnh phúc vì được nhiều người quan tâm, yêu thương”, bà Điểu nghẹn ngào nói về con gái.
Hoàn cảnh của Quỳnh đã chạm đến trái tim nhiều người. Em tâm sự: “Cô Trâm và cô Thanh ở Sài Gòn, chú Thức - chủ hiệu sách Sài Gòn ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), cô Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn), cô Quỳnh - công an ở Quy Nhơn, anh Hai Phúc - tình nguyện viên ở Bệnh viện Nhi đồng 2… là những người đã đồng hành truyền cảm hứng, tiếp thêm nghị lực cho em trong cuộc sống”. Cảm động nhất có lẽ là tình cảm giữa chị Trần Ngọc Quỳnh Trâm (34 tuổi, người Bình Định, làm việc tại TP Hồ Chí Minh) và Quỳnh. Chị Trâm đã giúp cho em hiện thực 2 ước mơ nhỏ.
Quỳnh kể, em trở thành bệnh nhân “nổi tiếng” bất đắc dĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh). Khi tổ chức Ngày hội Hoa Hướng dương năm 2017, lúc đó Quỳnh đã xuất viện về nhà nhưng những tình nguyện viên của chương trình vẫn không quên và gọi điện hỏi Quỳnh ước muốn điều gì. Em nói mình ước có một chiếc máy ảnh nhỏ để ghi lại hình ảnh cuộc sống và thật nhiều sách để đọc mỗi khi nằm điều trị bệnh lâu ngày.
Biết được thông tin này, chị Thiên Thanh, bạn học của chị Trâm, đã tặng cho Quỳnh chiếc máy ảnh, kèm bức thư đầy ắp tình thương. Còn chị Trâm thì lặng lẽ quyên góp sách. Nhiều thùng sách được gửi về tận nhà cho Quỳnh, đến nay đã hơn 800 cuốn, trong đó có nhiều sách hay, truyện thiếu nhi đủ bộ. Sách ngày càng nhiều, và một người bạn khác của chị Trâm đã tặng Quỳnh 2 giá sách lớn.
Quỳnh như một thủ thư, phân loại sách, sắp xếp gọn gàng, khoa học, bảo quản cẩn thận; mỗi khi nhận sách tặng đều ghi lại tên sách, ai tặng, ai giúp mang đến, ngày nhận, số lượng sách… Rồi Quỳnh chia sẻ niềm vui ấy với xung quanh, để trẻ em trong xóm, rồi cả thôn, xã, bạn nào thích thì đến đọc!
Trong suốt cuộc trò chuyện về đứa con không được may mắn của mình, bà Điểu luôn ghi nhận, sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần mà mọi người dành cho chính là động lực để mẹ con họ vượt lên khó khăn, bệnh tật. “2 điều ước nhỏ của con đã thành hiện thực, con vui lắm. Còn ước mơ lớn nhất của con là con sớm khỏi bệnh để được đi học trở lại”, bà Điểu tâm sự.
Hiện nay, hằng tháng, mẹ con Quỳnh phải vào TP Hồ Chí Minh để tái khám.
SAO LY