Phát hiện nhiều dấu tích quan trọng tại khu vực chính điện Kính Thiên
Sau gần một năm khai quật thăm dò và nghiên cứu chỉnh lý, ngày 16.5, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tổ chức hội thảo “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2018”.
Nhiều dấu tích mới được phát lộ tại Hoàng thành Thăng Long
Theo đó, có rất nhiều dấu tích về ao hồ, đường đi lối lại trong Hoàng thành đã được phát hiện tại khu vực này. Theo báo cáo, việc khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 1.000 m2. Tại đây, đoàn khai quật đã mở một hố chếch về phía Đông Bắc di tích nền chính điện Kính Thiên. Phía Đông Bắc khu vực hành cung thời Nguyễn. PGS.TS Tống Trung Tín - nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ cho biết, cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hóa dày 6,5m với các lớp văn hóa có niên đại khoảng từ thời Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại.
Cụ thể, đã xác định được dấu tích kiến trúc thời Lý, Trần, Lê Sơ và Lê Trung Hưng với các loại hình kiến trúc như: móng cột, đường đi, bồn hoa, móng đường, móng hồ/ao… Đặc biệt, bước đầu nhận thấy có một vài dấu tích kiến trúc lớn. Đối với kiến trúc thời Lê Trung Hưng đã tìm thấy móng đường xếp bằng gạch thỏi và gạch chữ nhật. Có ý kiến dự đoán đây có thể là một dấu tích móng đường vào các cung điện phía sau cấm thành Thăng Long thời Lê Trung Hưng. Thời này còn tìm được dấu tích móng đá xếp gạch phía trên đang được đoán có thể là một loại hình ao/hồ trong hoàng cung.
Dựa trên những kết quả thu được, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, cuộc khai quật lần này đã đạt được thành công trong việc làm rõ bản đồ Hồng Đức. Đây là bản đồ đưa ra nhiều tư liệu lịch sử về Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung Hưng ở thế kỷ thứ 17. Nếu soi vào bản đồ Hồng Đức chúng ta sẽ thấy rõ, phía phải của hướng Đông điện Kính Thiên có chữ “Ngọc Hà”, ở phía trái là chữ “Chí Kính”. Chữ “Ngọc Hà” đó có người giải thích là dòng sông Ngọc cũng có lý. Vì điện Càn Nguyên khi vua Lý Công Uẩn xây dựng nên xung quanh có rất nhiều cây cầu. Lúc đầu, các nhà khoa học không hiểu tại sao ở một thế đất bằng mà người xưa lại xây cầu, nhưng tìm hiểu kỹ thì ngày xưa chỗ này rất nhiều sông nước. Như vậy, hệ thống nước có ở khu vực này từ rất sớm nhưng đã được cải tạo đi rất nhiều.
Cùng với di tích đường nước thời Lý, Trần, hành lang thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng tại khu vực chính điện Kính Thiên, việc phát hiện thêm dấu tích hồ, ao và đường móng đá là những gợi ý tốt cho hướng nghiên cứu giới hạn của các trung tâm khu vực này qua các thời Lý - Trần.
Theo P.HÀ (VHO)