Sáp nhập huyện, xã phải giải quyết hợp lý chính sách cho người lao động
Nghị quyết 32/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 vừa được Chính phủ ban hành.
Các địa phương sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo đó, tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại những nơi phải sắp xếp cho đến khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì báo cáo xin ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Nghị quyết yêu cầu các địa phương sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại những nơi mới hình thành sau khi sắp xếp. Việc này phải bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới.
Nghị quyết nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với tinh giản biên chế, bảo đảm phù hợp với thực tế và theo lộ trình, kế hoạch của địa phương; bám sát và đồng bộ với lộ trình kiện toàn về tổ chức bộ máy cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương khi tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Chậm nhất là 5 năm thực hiện, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở nơi hình thành mới sau khi sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định. Theo lộ trình, năm 2020, các địa phương tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 tại những đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp; đồng thời sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 tại những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp.
Năm 2021, các địa phương tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu HĐND và kiện toàn tổ chức của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tại những đơn vị hành chính mới. Tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Nghị quyết nêu rõ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bám sát các nguyên tắc của Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó lưu ý việc sắp xếp những nơi có yếu tố đặc thù như: có vị trí biệt lập với đơn vị hành chính khác; được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt thì UBND cấp tỉnh thận trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù. Địa phương phải có văn bản giải trình và đề xuất cụ thể các phương án, gửi Bộ Nội vụ để báo cáo xin ý kiến của Chính phủ trước khi xây dựng đề án. Chậm nhất là ngày 31.5, UBND cấp tỉnh phải gửi phương án tổng thể về Bộ Nội vụ để tổng hợp, xem xét, có ý kiến sau đó mới xây dựng đề án.
Trước đó, bên lề Hội nghị triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch sắp xếp, mẫu hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, khi xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ đã xác định có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt cả hai tiêu chuẩn, đều dưới 50% tiêu chuẩn quy định về dân số và diện tích thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, bên cạnh số này, vẫn khuyến khích các địa phương tiến hành sáp nhập nếu đảm bảo điều kiện thuận lợi, ổn định và được nhân dân ủng hộ. Việc sắp xếp này không thực hiện cơ học, duy ý chí mà cần phải cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, yêu cầu quốc phòng an ninh, ... của từng địa phương và được nhân dân đồng thuận.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, trong sáp nhập huyện, xã, khó khăn nhất là khâu sắp xếp nhân sự, nhất là giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư. Nếu không giải quyết được việc này thì mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ không thể đạt được. Cần thực hiện tốt Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là gắn việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Khi sáp nhập phải đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là giải pháp tốt nhất để thực hiện chính sách tinh giản biên chế, giảm tải được gánh nặng ngân sách, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phục vụ nhân dân một cách tốt hơn. Vì thế, trách nhiệm và sự quyết tâm của người đứng đầu, của các cấp ủy Đảng ở địa phương là mấu chốt, là chìa khóa thành công của việc sắp xếp này”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định.
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Tin tức)