Ðưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc
Hiện nay, việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải qua nhiều tầng nấc rườm rà, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong đợt giám sát của Ban pháp chế HÐND tỉnh về công tác phòng, chống ma túy và các chất gây nghiện trên địa bàn tỉnh vừa qua, các địa phương, sở, ngành liên quan đã kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc này.
Ban pháp chế HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện Hoài Nhơn.
Gây nguy hiểm cho cộng đồng
“Mỗi lần phê thuốc, nhẹ thì nó ngồi thừ ra đó nói chuyện một mình, nặng thì đập phá đồ đạc hoặc cầm dao đuổi đánh ba mẹ vì cho rằng tụi tui là ma quỷ cần phải trừ diệt”, mẹ của T.V.H. (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) nghẹn ngào chia sẻ. Còn T.K.N. đang trong giai đoạn cắt cơn tại Trung tâm cai nghiện ma túy (Sở LĐ-TB&XH), đã đánh nhau tại Trung tâm, hậu quả làm cho một bác sĩ tại đây bị chấn thương sọ não. Hiện cơ quan chức năng đang thụ lý vụ việc để làm rõ hành vi của từng người liên quan theo quy định của pháp luật. Trước đó, tại phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) cũng đã xảy ra trường hợp người nghiện trong cơn “ngáo đá” đã đánh chết người và phải chịu mức án 12 năm tù giam.
Hiện các cơ quan chức năng đang quản lý 471 người nghiện và nghi nghiện. Tình hình sử dụng chất gây nghiện như ma túy tổng hợp, các chất kích thích mới gây ảo giác, các dạng ma túy có nguồn gốc thảo mộc tiếp tục gia tăng; ước tính tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70 - 80% trong số người sử dụng chất gây nghiện. Trong khi đó, chỉ có 49 học viên cai nghiện tự nguyện và 3 học viên cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP. Như vậy, số người nghiện ở ngoài xã hội chưa được quản lý, điều trị có nguy cơ gây mất an ninh và trật tự an toàn xã hội là khá nhiều.
Trước đây, đối với các đối tượng nghiện, khi kiểm tra phát hiện dương tính với ma túy thì cơ quan chức năng sẽ làm thủ tục chuyển cho chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Nhưng từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực (7.2013), Nghị định 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra đời và Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cùng được áp dụng từ đầu năm 2014, thì việc cai nghiện, quản lý người nghiện lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi nếu muốn đưa đối tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc thì phải xác định được tình trạng nghiện rồi tiến hành xử phạt hành chính, sau đó đưa về giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nếu tái nghiện thì mới đưa đi cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, việc xác định tình trạng nghiện cũng khó thực hiện vì Nghị định 221/2013/NĐ-CP yêu cầu thẩm quyền xét nghiệm là y sĩ, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn về cai nghiện tại cộng đồng, trong khi phần lớn y sĩ, bác sĩ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định
Đây cũng chính là lý do mà Ban pháp chế HĐND thành lập đoàn giám sát để nắm bắt thực tế tại các địa phương và sở, ngành nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả nhất trong đấu tranh phòng, chống ma túy và các chất gây nghiện trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Cao Thanh Thương cho rằng: “Để giảm người nghiện, cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 111/2013/NĐ-CP, Nghị định 221/2013/NĐ-CP và các văn bản có liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cũng kiến nghị: “UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138 tỉnh tham mưu ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để thực hiện thống nhất”.
Qua thực tế làm việc với các địa phương và các ngành, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, cho rằng: Với chức năng của mình, chúng tôi sẽ đề nghị Ban chỉ đạo 138 của tỉnh tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt và tháo gỡ các vướng mắc từ các nghị định, thông tư liên quan đến việc quản lý, đưa người đi cai nghiện. Đồng thời, sẽ kiến nghị đến Chính phủ và các bộ ngành sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi các nghị định liên quan đến việc quản lý, xử lý các đối tượng sử dụng chất ma túy theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ.
Có thể nói, những phức tạp, hệ lụy do người nghiện ma túy gây ra đang là vấn đề rất đáng lưu tâm. Do đó, cùng với việc đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu về tác hại của ma túy, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh các quy định, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được nhanh chóng, thuận tiện, đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
K.ANH