Xử lý nghiêm người đứng đầu vi phạm về cải cách hành chính
Từ ngày 15.5.2019, Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh chính thức có hiệu lực. Ðây là giải pháp quan trọng, thể chế hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Kiểm tra công tác CCHC tại phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn).
Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang cho biết, đối tượng áp dụng Quy định này là người đứng đầu (NĐĐ) các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó là cấp phó của NĐĐ phải chịu trách nhiệm như NĐĐ cơ quan, đơn vị, địa phương đối với các lĩnh vực được phân công hoặc ủy quyền thực hiện.
● Xin ông cho biết cụ thể nguyên tắc xác định trách nhiệm của NĐĐ về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC)?
“Quy định này là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý trách nhiệm của NÐÐ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCHC. Ở chiều ngược lại, NÐÐ cũng phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành trách nhiệm cá nhân, đóng góp chung cho công cuộc CCHC”.
Giám đốc Sở Nội vụ LÂM HẢI GIANG
- Có thể nói, bên cạnh những mặt đã đạt được, trên thực tế việc thực hiện trách nhiệm của NĐĐ các cơ quan hành chính nhà nước đối với việc thực hiện nhiệm vụ CCHC vẫn còn nhiều hạn chế. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, việc ban hành Quy định về trách nhiệm của NĐĐ trong công tác CCHC của tỉnh là hết sức cần thiết.
Về nguyên tắc, NĐĐ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình và trong các lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách. Trường hợp NĐĐ đã làm hết trách nhiệm và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm thì được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm.
Thứ hai, NĐĐ bị xem xét, xử lý trách nhiệm khi để xảy ra các hành vi tiêu cực, tham nhũng, thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Thứ ba, kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC là một trong những căn cứ quan trọng khi phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xét thi đua, khen thưởng đối với NĐĐ.
● Việc phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ CCHC dựa trên những cơ sở nào, thưa ông?
- Theo Quy định, việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ CCHC được chia theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Quy định nêu rõ 7 nhóm trách nhiệm của NÐÐ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ CCHC: chỉ đạo, điều hành CCHC; tham mưu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Việc phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ CCHC của NĐĐ căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ, nghĩa vụ của NĐĐ thông qua công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức và cá nhân thuộc quyền quản lý... Cùng với đó là kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương (thông qua Chỉ số CCHC hằng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) và kết quả tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ CCHC trên các lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.
NĐĐ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ CCHC phải thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung theo quy định và Chỉ số CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương đạt từ 80% trở lên; trường hợp cơ quan, đơn vị, địa phương có chỉ số CCHC đạt từ 75% đến dưới 80% nhưng có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao thì được xem xét, đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngược lại, NĐĐ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nếu không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung theo quy định và có chỉ số CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương của năm đánh giá đạt dưới 50%.
● Vấn đề được quan tâm nhất sau khi Quy định được ban hành là xử lý trách nhiệm đối với NĐĐ có vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCHC. Xin ông thông tin cụ thể về vấn đề này?
- NĐĐ cơ quan, đơn vị, địa phương nếu không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm theo Quy định này thì tùy theo nội dung, tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, sẽ bị xem xét, điều chuyển, bố trí công tác khác nếu NĐĐ xử lý không nghiêm các hành vi vi phạm của cấp dưới hoặc bao che cho hành vi vi phạm; có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ về CCHC; hoặc khi chỉ số thành phần về CCHC của tỉnh thuộc trách nhiệm tham mưu chính của cơ quan, đơn vị đạt dưới mức 50% theo kết quả chấm điểm của Trung ương trong 2 năm liên tiếp.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)