“Thu phí” và “thu tiền”
Nhân việc khái niệm “trạm thu tiền” mà Bộ GTVT đưa ra làm xôn xao dư luận gần đây, xin được lạm bàn về hai khái niệm “thu phí” và “thu tiền”.
Trong tiếng Việt, cả “thu phí” lẫn “thu tiền” đều được sử dụng khá thường xuyên. Hai khái niệm này giống nhau về nguồn gốc và cấu tạo. Về nguồn gốc, cả hai đều bắt nguồn trong tiếng Hán. Ba yếu tố “thu”, “phí” và “tiền” đều là những từ Hán Việt được Việt hóa hoàn toàn và dùng phổ biến trong tiếng Việt với tư cách là những từ đơn dùng độc lập và tham gia tạo từ, cụm từ. Tham gia tạo từ, “thu” (nhận vào) có: thu chi, bội thu, thu vào…; “phí” có: chi phí, học phí, phí vận chuyển…; “tiền” có: tiền nong, tiền điện, trả tiền…
Về cấu tạo, cả hai đều là những cụm động từ. Trong đó, yếu tố “thu” giữ vai trò động từ chính; “phí” và “tiền” là những bổ ngữ chỉ đối tượng được thu về.
Tuy nhiên, về mặt ngữ nghĩa, hai khái niệm này có nội hàm hoàn toàn khác nhau. Nhiều người cho rằng, “thu tiền” và “thu phí” thật ra là một bởi bản chất của chúng đều cùng một đối tượng được thu là tiền. Đây là một sự nhầm lẫn tai hại. Vì mặc dù tiền là phương thức thanh toán chủ yếu trong hoạt động thu phí nhưng thu phí không có nghĩa là thu tiền.
“Thu tiền” đơn giản là một hoạt động thu và đối tượng của hoạt động này là tiền. Còn “thu phí” mang nội hàm khác. Trong tiếng Việt, “phí” mang nghĩa “khoản tiền ấn định phải trả khi sử dụng một dịch vụ, một quyền lợi nào đó”. “Thu phí” chính là thu khoản tiền cụ thể này, chứ không phải là số tiền chung chung như trong khái niệm “thu tiền”.
Tại các trạm BOT, khoản tiền mà người ta thu đối với người điều khiển phương tiện giao thông là tiền dịch vụ khi lưu thông trên một tuyến đường cụ thể, chứ không phải là một khoản tiền chung chung nào cả. Các tài xế đóng tiền tại trạm BOT là đóng phí dịch vụ. Khái niệm “thu tiền” không thể hiện được điều này.
Như vậy, khái niệm chính xác phải là “thu phí” và trạm BOT cần được gọi đúng tên là “trạm thu phí”. Sử dụng khái niệm “thu tiền” và “trạm thu tiền” vừa không thể hiện đúng bản chất của sự việc, vừa dễ gây phản cảm.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ