Về nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ
Trong tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) và Tiểu chủng viện Làng Sông (thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, Tuy Phước) là những nơi giữ vai trò đặc biệt - là nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ, văn học Quốc ngữ và là nơi sở hữu 1 trong 3 nhà in đầu tiên ở Việt Nam.
Tiểu chủng viện Làng Sông.
Nước Mặn là tên gọi của một cảng thị bên đầm Thị Nại vào thế kỷ XVII - XVIII, nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Nơi đây giờ tất nhiên không còn cảnh thuyền buôn phương Tây và các nước Đông Nam Á ra vào buôn bán như ngày xưa. Nhưng ta nên nhớ, Nước Mặn là nơi đóng đại bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII.
“Ba nơi chủ yếu các vị thừa sai Dòng Tên ở và hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong từ năm 1615 là Cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định). Nhưng Nước Mặn là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên và Cha Bề trên Buzomi ở tại đây. Francesco De Pina sống ở Đàng Trong 7 năm (1617 - 1625), riêng Nước Mặn ông ở từ năm 1618 - 1620. Chiristoforo Borri ở Nước Mặn từ năm 1618 đến năm 1621 trở về lại Ma Cao. Như vậy, Cha Bề trên Buzomi và hai linh mục của giáo đoàn ông là Borri và De Pina là những giáo sĩ Dòng Tên đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ, thời gian đầu đến Việt Nam sống, hoạt động truyền giáo và học tập, nghiên cứu, phiên âm chữ Quốc ngữ đều ở Nước Mặn. Do đó, có thể coi Nước Mặn là nơi sơ khởi, phôi thai của chữ Quốc ngữ” (Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ, Nguyễn Thanh Quang).
Vậy thì ta nên về thăm Nước Mặn và đã đến đây thì cũng nên đến Tiểu chủng viện Làng Sông. Đến Làng Sông, ấn tượng đầu tiên với du khách là đường nét kiến trúc tôn giáo mang phong cách Gôthic (lối kiến trúc theo kiểu vòm nhọn được sử dụng rộng rãi ở châu Âu khoảng giữa thế XVIII - XIX) hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan đồng quê xung quanh. Nói không quá, với ấn tượng ban đầu nhiều người đã “phải lòng” nơi này sau khi hành hương về nơi chữ Quốc ngữ sinh ra.
Nằm giữa bốn bề đồng xanh mênh mông, tản bộ trong khuôn viên của Tiểu chủng viện, ngắm ánh nắng len qua tán lá sao đen, hay thi thoảng vờn đùa những bông cỏ lau rung rinh theo gió… Riêng sự yên bình này đã đáng giá cho cả cuộc hành hương.
Chùa Long Phước - ngôi chùa được mệnh danh là Thiếu Lâm tự của Việt Nam.
- Trong ảnh: Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định tại chùa Long Phước trong dịp Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Bình Định.
Xin lần qua một chút về lịch sử. Sách Chữ Quốc ngữ từ Nước Mặn đến Làng Sông (Nhà xuất bản Đồng Nai) xuất bản nhân kỷ niệm 400 năm chữ Quốc ngữ (1618 - 2018) có xác tín rằng Tiểu chủng viện Làng Sông, Nhà in Làng Sông - một trong ba trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ và Văn học Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Theo ghi chép của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, người có nhiều bài báo, tham luận khoa học liên quan đến lịch sử chữ Quốc ngữ, Tiểu chủng viện Làng Sông ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX và Nhà in Làng Sông ra đời vào khoảng những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XIX. Năm 1904, Nhà in Làng Sông được Giám mục Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết và giao cho Linh mục Paul Maheu làm giám đốc (Linh mục Paul Maheu người có giỏi kỹ thuật in ấn). Giai đoạn năm 1904 đến năm 1935 là thời kỳ cực thịnh của Nhà in Làng Sông, ở đây đã cho ra đời nhiều tác phẩm sách, báo có giá trị đương thời.
Di tích lịch sử mộ Đào Tấn trên núi Huỳnh Mai.
Lấy Tiểu chủng viện Làng Sông làm lõi, bạn có thể dễ dàng kết nối tour để tham quan nhiều di tích khác khi về Tuy Phước. Trên hành trình kết nối, xin đừng quên chùa Long Phước - ngôi chùa được mệnh danh là “Thiếu Lâm Tự của Việt Nam”, một trong những nơi đào tạo võ cổ truyền nổi tiếng của Bình Định; cũng xin nhắc thêm cách đó không xa là nơi an nghỉ của danh nhân Đào Tấn - hậu tổ của nghệ thuật tuồng (núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước). Bạn nên vượt các tam cấp xây bằng đá xanh, lên thắp cho người một nén nhang, và từ nơi an nghỉ của Đào công bạn lại có dịp ngắm núi sông, làng quê bên dưới êm đềm, uốn khúc như trong tranh. Từ Tiểu chủng viện Làng Sông bạn cũng nên xuôi theo sông Hà Thanh theo đò sang Cồn Chim - Đầm Thị Nại, thiên nhiên vùng rừng ngập mặn này được ví là báu vật thiên nhiên; thưởng thức hải sản ven đầm, săn ảnh hoàng hôn trên mặt đầm, cảnh chim cò về nơi trú ngụ khi nắng chiều buông là những trải nghiệm tuyệt vời.
Gần Tiểu chủng viện Làng Sông còn nhiều điểm đến lẻ rất thú vị. Nếu xuất phát sớm, bạn có thể đến Phước Sơn thưởng thức món bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang, rồi quay ngược lại để lên núi Huỳnh Mai viếng mộ Ðào Tấn, sau đó xuôi tới chùa Long Phước xem biểu diễn võ cổ truyền (nên liên hệ trước với CLB võ cổ truyền tại chùa để được phục vụ). Rời chùa Long Phước bạn xuôi xe để đến Tiểu chủng viện Làng Sông, điểm đến cuối cùng và là điểm đến chính sẽ lấy hết thời gian trong ngày của bạn. Theo tour này bạn có thể có thêm thời gian để ghé tới nơi đặt bia tưởng niệm cư sở Nước Mặn trong khuôn viên nhà ông Võ Cự Anh (ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước).
THU DỊU