Học Bác, lòng ta trong sáng hơn
Học và làm theo Bác, phụ nữ khắp nơi trong tỉnh đã và đang xây dựng, hình thành nhiều hoạt động, mô hình có ý nghĩa thiết thực cho đời sống và lan tỏa tích cực đến cộng đồng.
Cùng tiết kiệm
Nhiều năm cùng chồng thực hiện “bỏ heo” từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng, chị Đinh Thị Mon (30 tuổi, ở làng Kon Giang, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) nhận thấy ý nghĩa to lớn của việc tiết kiệm. Chị bảo: “Nhờ “bỏ heo”, vợ chồng tôi mua được bò, xây được tường rào, cổng ngõ, nhà vệ sinh kiên cố... Học theo ba mẹ, hai đứa con tôi cũng nuôi heo đất. Mỗi ngày, các cháu tiết kiệm vài nghìn đồng từ tiền mẹ cho đi học bán trú. Sau 7, 8 năm chăm chỉ “vỗ béo” cho heo đất, tuần rồi, các cháu đập heo được 5 triệu đồng. Cả hai con đều vui mừng. Số tiền này được dùng để mua xe đạp cho đứa lớn, đồ dùng học tập cho đứa nhỏ”.
Từ tiền tiết kiệm heo đất, chị Mon mua bò chăn nuôi, nâng cao kinh tế gia đình.
Là phụ nữ, chị Mon thường chắt chiu, dành dụm. Kể từ khi được tuyên truyền về đức tính tiết kiệm của Bác, chị lại càng quyết tâm thực hiện theo. Cơ ngơi có được từ sự chăm chỉ lao động và tiết kiệm đã giúp chị có tiếng nói với chị em phụ nữ trên địa bàn. Ở vị trí là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, chị đã vận động 5 chi hội thực hành tiết kiệm để giúp nhau giảm nghèo. Từ đầu năm 2016 đến nay, các chi hội đã vận động tiết kiệm xoay vòng với tổng số tiền 79,9 triệu đồng, giúp cho 65 chị đầu tư, phát triển sản xuất.
Cũng kêu gọi chị em tiết kiệm, chị Trần Thị Bình (59 tuổi, ở thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) từng gặp không ít khó khăn. Chị kể: “Chị em hỏi ngược lại khi tôi đi tuyên truyền: Hồi giờ, chị em chúng tôi vẫn nuôi, chăm lo cho gia đình, đâu cần phải tham gia tiết kiệm? Tôi mang những câu chuyện về đức tính tiết kiệm của Bác kể cho chị em nghe, chuyện về việc Bác nhịn một bữa ăn để giúp người nghèo, Bác tiết kiệm giấy, vá lại những đồ dùng đã sờn để sử dụng tiếp... Những câu chuyện đó có sức tác động mạnh mẽ, chị em nói với nhau: Bác còn tiết kiệm, sao mình lại không tiết kiệm?”.
125 phụ nữ thôn An Nội đã tham gia tiết kiệm được 25 triệu đồng. Từ số tiền này, các chị cho 13 chị có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất ngang hộ nghèo để chị em mua sắm trang thiết bị, mua phân bón, cây con giống. 115 chị em cũng tham gia tiết kiệm gạo, quyên góp vào hũ gạo chung 2 lần/năm. Tổng số gạo thu được mỗi năm là 690 kg, để hỗ trợ 8 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức 15 kg/người, bán gây quỹ để thăm đau, hỗ trợ đột xuất cho người khó khăn.
Vì một cuộc sống đẹp hơn
Gắn việc học tập và làm theo Bác với phong trào thi đua trọng tâm như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 2 cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phụ nữ tại các tổ chức cơ sở đã sáng tạo, hình thành những mô hình hay, thiết thực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh biểu dương những phụ nữ tiêu biểu làm theo gương Bác.
Chị Nguyễn Thị Minh Thể, Chủ tịch Hội LHPN xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) đã xây dựng mô hình “Mái nhà xanh” với 125 thành viên tham gia. Đúng như tên gọi, mô hình khuyến khích mỗi một gia đình là nơi thực hành tiết kiệm tài nguyên, xây dựng không gian xanh, sạch, đẹp, góp phần bảo vệ môi trường. “Các thành viên sẽ cùng tiết kiệm điện (tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện), tiết kiệm nước (không lãng phí nước, dùng nước rửa rau để tưới cây), sử dụng giỏ xách, làn khi đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông... Chúng tôi cũng kêu gọi chị em tận dụng hiệu quả các vật dụng trong gia đình, thu gom các vật dụng không còn sử dụng để bán phế liệu, quyên góp giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn. Từ hoạt động này đã thu về 18 triệu đồng, hỗ trợ heo giống cho 18 lượt chị em phụ nữ”, chị Thể cho biết.
Bên ngoài phạm vi mỗi ngôi nhà, chị Thể tiếp tục vận động chị em tham gia phong trào “Phụ nữ cam kết không vứt rác, chất thải ra ngoài cộng đồng”, thành lập 5 mô hình “Con đường tự quản” ở 5 chi hội. Kết quả của hoạt động này, những con đường ở Ân Tín không có rác thải, dọc các lối đi đủ màu hoa, lá. Chị Đặng Thị Chuyên, ở thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân tâm sự: “Phụ nữ thôn tôi rất tự hào vì đường sá sạch, đẹp. Vườn nhà chị em nào cũng có hoa, nhiều màu xanh, mát mẻ. Tôi rất vui vì trong cảnh quan xanh, sạch đó có công cuốc cỏ, xin giống cây hoa, trồng, chăm bón của phụ nữ chúng tôi”.
Nhiều phụ nữ, tập thể phụ nữ đang là những tấm gương nhân hậu, tận tụy với công tác thiện nguyện. Có thể kể đến chị Lâm Thị Mỹ Hạnh (phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) đã vận động trao tặng và lắp đặt 1 máy lọc nước với công suất 65 lít/giờ, trị giá 30 triệu đồng cho Trường Mẫu giáo Nhơn Lý. Tập thể cán bộ Hội LHPN huyện Tây Sơn đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ 1 thùng sữa mỗi tháng cho em Đinh Tà Duối (10 tuổi, ở làng Kon Giọt 2, xã Vĩnh An) đến đủ 18 tuổi. Tập thể Hội LHPN TP Quy Nhơn với mô hình “Nấu cơm dinh dưỡng”, huy động các thành viên Ban chấp hành đóng góp 50.000 đồng/tháng/người để nấu cháo mỗi quý cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, TTYT TP Quy Nhơn...
NGUYỄN MUỘI