Nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên
Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, nét văn hóa truyền thống là việc ngày càng có thêm nhiều đồng bào Bana ở làng Hà Văn Trên xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) quan tâm. Trò chuyện với tôi, cụ Đinh Thị Ất, 85 tuổi, nói: Trước đây, phụ nữ trong làng ai cũng biết dệt thổ cẩm. Bây giờ, người biết dệt ít dần vì lớp trẻ lo đi học, đi làm. Dù lớn tuổi không còn tự dệt được nữa, nhưng nhờ trước đây tôi cố công dạy nên 4 đứa con gái tôi đều dệt thổ cẩm thành thạo. Tôi luôn nhắc nhở con cháu giữ lấy nghề dệt thổ cẩm. Mấy năm gần đây, các cháu gái để ý đến nghề dệt trở lại nên tôi thấy cũng vui.
Bà Đinh Thị Lơn ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (Vân Canh) đang dệt thổ cẩm.
Chị Đinh Thị Lượt, 37 tuổi, bộc bạch: Tôi được mẹ, chị dạy dệt thổ cẩm từ năm 14 tuổi, ban đầu tiếp cận với nghề dệt thổ cẩm cũng khó khăn lắm, nhất là dệt hoa văn. Để dệt được những tấm chăn như ý thì đòi hỏi sự cầu kỳ, nên mất nhiều công sức, thời gian; những sản phẩm như: khăn, váy, túi vải… thì đơn giản hơn. Nay, nhiều em nhỏ lứa tuổi 16 - 17 tuổi đã chú ý, yêu thích thổ cẩm hơn nên các chị, các mẹ cũng dễ truyền dạy.
Ngồi bên khung dệt trên nhà sàn, bà Đinh Thị Lơn, 58 tuổi, thổ lộ: “Bây giờ các nguyên liệu như: len, chỉ… được sản xuất và bán sẵn tại các chợ nên cũng tiện lợi. Tôi cũng đã lớn tuổi chỉ ở nhà trông cháu, nên có nhiều thời gian ở nhà để dệt thổ cẩm. Ngoài việc dệt các sản phẩm để con, cháu trong nhà sử dụng, tôi còn dệt để bán cho dân làng ở các làng lân cận”.
Theo chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Canh Thuận, trong làng hiện có hơn 70 người biết dệt thổ cẩm. Làng cũng thành lập tổ dệt thổ cẩm để duy trì và phát triển nghề. Ngoài các mẫu hoa văn truyền thống, các chị, các mẹ hiện đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, hoa văn cách tân để sản phẩm đẹp hơn, phù hơn với nhu cầu hiện nay. Dù nghề dệt thổ cẩm chưa đem lại nguồn thu nhập lớn cho phụ nữ trong làng, nhưng chị em phụ nữ cũng gắn bó để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình. “Chúng tôi hy vọng trong tương lai ngành du lịch phát triển, sản phẩm của đồng bào nơi đây sẽ có cơ hội bán cho khách du lịch, có như vậy nghề dệt mới được gìn giữ và phát triển ổn định”, chị Bông bày tỏ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN